Thành ủy Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Chỉ thị số 25 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan.
Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra hiện trường vụ cháy tại quận Thanh Xuân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU (ngày 20/9) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới.

Xử lý vi phạm còn "qua loa, chiếu lệ"

Chỉ thị nêu rõ, gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp... Đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do: Tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nhưng hạ tầng, trang thiết bị về phòng cháy chữa cháy được đầu tư, song chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chưa coi trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ, công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều yếu kém, còn phó mặc cho các lực lượng chuyên trách; công tác quản lý trật tự xây dựng có nơi chưa tốt, vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra…

Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ,” chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để phòng ngừa sai phạm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng đối với công tác phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan; kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và phòng cháy chữa cháy còn hạn chế.

Vì vậy, để tăng cương hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng và kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ngoài ra, để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ xảy ra; đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản của nhân dân, của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là “cơ bản-chiến lược-lâu dài.”

Vụ cháy chung cư mini tại ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chỉ thị yêu cầu huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.”

“Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ,” Chỉ thị nêu rõ.

Thực hiện nghiêm thẩm định, cấp phép xây dựng

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình, đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng Nhân dân Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Giáo viên Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều thực hành dập tắt đám cháy với bình chữa cháy. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu tất cả các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.

Cùng với đó, công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ.”

“Thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố,” Chỉ thị nêu rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục