Hội thảo khoa học quốc gia "Thi hào dân tộc-Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu: Hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới" do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, đã diễn ra ngày 11/11, tại hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 200 năm sinh của Nguyễn Đình Chiểu (1822-2022).
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Văn Minh (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ Nguyễn Đình Chiểu là thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam tiêu biểu.
Gia tài Nguyễn Đình Chiểu để lại đặc biệt đa dạng và độc đáo. Có thể coi ông là tác gia lớn cuối cùng thuộc mảng văn học viết bằng chữ Nôm đặc sắc trong văn chương trung đại Việt Nam.
Nhiều tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, ngay từ khi ra đời đã trở thành món ăn tinh thần quý báu của nhân dân Nam bộ và dần trở thành di sản có ý nghĩa bản sắc của lịch sử văn hóa, văn học Việt Nam.
Dấu ấn văn chương, tầm vóc tư tưởng, tài năng, nhân cách của ông ngày càng được thế giới biết đến và phổ biến rộng rãi. Hội thảo lần này là một nỗ lực nằm trong chuỗi các hoạt động học thuật của cả nước nhằm tưởng nhớ, tri ân danh nhân một cách ý nghĩa nhất.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Văn Minh cũng cho biết tại hội thảo này, các nhà nghiên cứu khám phá, phát hiện lại những giá trị, cách tiếp cận; làm mới, làm dày thêm cơ sở vững chắc để khẳng định tầm vóc thời đại có tính biểu tượng cho lịch sử, văn hóa Việt Nam: biểu tượng Nguyễn Đình Chiểu.
Hệ giá trị Nguyễn Đình Chiểu sẵn có hấp lực tính dồi dào, lần này lại tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, đến từ nhiều đơn vị nghiên cứu, cơ sở đào tạo và lĩnh vực công tác khác nhau trong nước và quốc tế.
Các tham luận trình bày tại hội thảo tập trung vào 5 nhóm đề tài, đồng thời cũng là 5 hướng nghiên cứu chính: Những nghiên cứu mới về cuộc đời và sự nghiệp, thành tựu biên định, khảo thuật di sản Nguyễn Đình Chiểu; nghiên cứu văn bản học và phát hiện mới, công bố tư liệu mới về di sản văn chương Nguyễn Đình Chiểu; tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu ở nước ngoài; nghiên cứu, thẩm định, soi chiếu tác phẩm văn chương Nguyễn Đình Chiểu từ góc độ văn học, ngôn ngữ và liên ngành; những vấn đề có ý nghĩa thời sự từ góc nhìn đương đại được gợi mở từ cuộc đời, tư tưởng và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu; nghiên cứu và đề xuất quan điểm, giải pháp dạy học về Nguyễn Đình Chiểu trong nhà trường các cấp.
[Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và những di sản còn mãi với thời gian]
Đặc biệt, liên quan đến giải pháp dạy học về Nguyễn Đình Chiểu trong nhà trường, một số chuyên gia đã đề xuất những hướng tiếp cận mới về Nguyễn Đình Chiểu, góp phần cụ thể, thiết thực vào việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm cũng như với công cuộc đổi mới dạy học Ngữ văn.
Hiện nay, ở nhiều trường đại học sư phạm đã thiết kế các học phần, chuyên đề giảng dạy trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến tác giả-tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu trong đào tạo giáo viên.
Việc ứng dụng những thành tựu mới trong nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Đình Chiểu sẽ góp phần hữu hiệu giải quyết những vấn đề nảy sinh trong việc dạy học tích hợp ngữ văn-văn hóa-lịch sử trong nhà trường theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp, năng lực tiếp nhận và tạo lập văn bản, năng lực thẩm thấu, chuyển hóa những giá trị thẩm mỹ thành giá trị sống cho người học.
Nguyễn Đình Chiểu là một ông đồ độc đáo nhất, với danh xưng Đồ Chiểu, trong lịch sử văn giáo (văn trị và giáo hóa) nước nhà.
Với việc tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được quy định bắt buộc trong môn Ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, một số nhà khoa học đã đề xuất phương pháp dạy học theo hướng mới.
Định hướng lựa chọn, xử lý và mở rộng ngữ liệu trong biên soạn sách giáo khoa và tài liệu học tập, nhằm đáp ứng tốt hơn mục đích nâng cao năng lực đọc hiểu tác phẩm văn chương cho học sinh.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nghiên cứu và dạy học ngữ văn theo hướng tiếp cận phong cách tác giả và đặc trưng thể loại; sử dụng ngữ liệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong dạy học phương ngữ, từ Hán Việt; dạy học tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu theo mô hình trường học gắn với di sản văn hóa, giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ./.