Thành tựu kinh tế của Quảng Ngãi sau 25 năm tái lập tỉnh

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu to lớn, nhất là về kinh tế, đồng thời đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và không ngừng được nâng cao.
Thành tựu kinh tế của Quảng Ngãi sau 25 năm tái lập tỉnh ảnh 1Nhập khẩu thiết bị qua cảng Dung Quất. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/Vietnam+)

Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 1/7/1989 trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Khi mới tái lập tỉnh, Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo thuần nông, xuất phát điểm về kinh tế-xã hội rất thấp kém. Năm 1990, năm đầu tiên sau tái lập tỉnh, tỷ trọng cơ cấu nông-lâm-thủy sản chiếm 55,68%, công nghiệp-xây dựng chiếm 16,52%, dịch vụ 27,80%; kết cấu hạ tầng kinh tế yếu kém; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 388.000 đồng/năm.

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trong công nghiệp và dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người cao. Năm 2013 so với năm 1990, GDP tăng gấp 10,48 lần, trong đó nông-lâm-thủy sản tăng gấp 3,17 lần, công nghiệp-xây dựng tăng 40,20 lần và dịch vụ tăng 10,32 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến cuối năm 2013, cơ cấu nông-lâm nghiệp-thủy sản chiểm tỷ trọng 15,29%, công nghiệp-xây dựng tăng lên 63,83%, dịch vụ 20,88%, thu nhập bình quân đầu người đạt bình quân 43,77 triệu đồng/năm, gấp 112 lần so với năm 1990.

Tỉnh Quảng Ngãi đã đạt những thành tựu rất quan trọng và toàn diện, thoát khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, bước vào nhóm tỉnh, thành phố có thu nhập trung bình cao, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2020 tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Về kinh tế, trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 43 xí nghiệp, nhà máy với hơn 7.700 có sở tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm công nghiệp truyền thống như đường, các sản phẩm sau đường, phân bón, gạch nung, nước mắm giá trị không cao.

Đến nay tỉnh Quảng Ngãi có nhiều nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy Bio Ethanol, hạt nhựa Polypropylen, 5 nhà máy của Doosan Vina, nhà máy đóng tàu Dung Quất...; hàng chục nhà máy, xí nghiệp tại hai khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú, Phổ Phong với tổng số hơn 300 doanh nghiệp công nghiệp và gần 14.500 cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 tăng gấp 83,65 lần so với năm 1989 và gấp 7,86 lần so với năm 2008 - năm chưa có sản phẩm từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tăng bình quân hàng năm giai đoạn 1990-2013 trên 20%/năm; riêng giai đoạn 2009-2013 (có Nhà máy lọc dầu Dung Quất) tăng 51%/năm.

Về công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút 28 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4 tỷ USD, trong đó tại Khu kinh tế Dung Quất có 19 dự án với vốn đầu tư 3,94 tỷ USD; các khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp có 9 dự án với vốn đăng ký 80 triệu USD.

Hiện nay đã có 11/28 dự án đã đi vào hoạt động, 16 dự án đang triển khai, chỉ có 1 dự án chưa triển khai. Đặc biệt, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện và được sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp nên năm 2013 tỉnh Quảng Ngãi đã vươn lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đối với các ngành thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu phát triển khá với sự tham gia của các ngành kinh tế, chất lượng các dịch vụ được nâng cao, hàng hóa cung ứng trên thị trường đa dạng, phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng đến tất cả các vùng trong tỉnh. Từ chỗ chưa có siêu thị, đến nay trên địa bàn tỉnh có 7 siêu thị chuyên doanh và tổng hợp. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng gấp 12,3 lần so với 1990, tăng bình quân hàng năm hơn 11%.

Riêng tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng đột biến, nhất là giai đoạn 2010-2013. Từ chỗ kim ngạch xuất khẩu năm 1990 chỉ có 834.000 USD, đến năm 2013, xuất khẩu của tỉnh đạt trên 508,8 triệu USD, gấp 610 lần so với năm 1990.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng như sản phẩm cơ khí, sản phẩm lọc hóa dầu, linh kiện điện tử, nguyên liệu giấy, đồ gỗ, tinh bột sắn, thủy sản chế biến, các loại bánh kẹo... đến trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả vượt bậc, nhất là từ khi đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào hoạt động. Từ chỗ thu ngân sách năm 1990 chỉ đạt 22 tỷ đồng; đến năm 2013 thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 30 199 tỷ đồng, gấp 1.372 lần so với năm 1990, đứng thứ tư cả nước.

Cùng với phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, dịch vụ, xuất nhập khẩu, lĩnh vực nông-lâm nghiệp-thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có những bước phát triển đáng kể. Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản năm 2013 tăng gấp 3,58 lần so với năm 1990, bình quân hàng năm tăng 5,46%.

Ngay sau khi tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng hoàn thành hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham, chủ động nguồn nước tưới cho hơn 30.000ha canh tác khắp 7 huyện, thành phố đồng bằng. Trên địa bàn tỉnh có hơn 600 công trình thủy hồ đập thủy lợi với trên 950km kênh mương chính, đảm bảo tưới cho hơn 67.000ha đất sản xuất nông nghiệp, các công trình phát huy hiệu quả cao, đưa năng suất lúa từ 26,5 tạ/ha năm 1989-1990 lên 55 tạ/ha năm 2013.

Sản lượng lương thực có hạt từ 238.000 tấn lên trên 468.000 tấn, lương thực bình quân đầu người từ 226kg/người tăng lên 379 kg/người/năm.

Với nhiều lợi thế về ngư trường đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, từ chỗ Quảng Ngãi đạt sản lượng đánh bắt đạt gần 17.000 tấn năm 1990, đến nay đã tăng lên trên 140.000 tấn, gấp 8,27 lần. Số lượng tàu thuyền không ngừng tăng lên, nhất là tàu có công suất lớn từ 90 CV đến 600 CV phục vụ đánh bắt xa bờ. Đến nay toàn tỉnh đã phát triển đội tàu lên trên 5.400 chiếc với tổng công suất hơn 870.000 CV. Sản xuất thủy sản đã và đang góp phần lớn xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho nông, ngư dân vùng nông thôn, ven biển, hải đảo của tỉnh, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Để phát triển kinh tế một cách toàn diện, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung phát triển mạnh một số ngành như điện lực, bưu điện, giao thông vận tải, ngân hàng, đầu tư phát triển toàn xã hội... Đến nay, hệ thống mạng lưới điện đã cung cấp cho 92% dân số toàn tỉnh. Tỉnh đang triển khai dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Khối lượng vận tải hành khách tăng trưởng bình quân 11,2%/năm; khối lượng vận tải hàng hóa tăng bình quân 14,43%/năm.

Năm 1989 trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 Ngân hàng thương mại Nhà nước, đến năm 2014 này, toàn tỉnh có 18 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp tỉnh và 14 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp huyện, 40 phòng giao dịch và 13 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống ngân hàng chính sách xã hội từ tỉnh đến các huyện, thành phố trong tỉnh và Chi nhánh ngân hàng phát triển.

Nếu như năm 1989, toàn tỉnh huy động được 60 tỷ đồng, dư nợ cho vạy 40 tỷ đồng thì đến năm 2013, tỉnh huy động 26.640 tỷ đồng, gấp 444 lần và dư nợ cho vay đạt 30.628 tỷ đồng, gấp 765 lần.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh từ 1989-2013 đạt khoảng 143.000 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2005-2013, vốn đầu tư đạt 128.000 tỷ đồng. Đây là giai đoạn Nhà máy lọc dầu đẩy mạnh xây dựng và thu hút nhiều dự án đầu tư FDI vào Khu kinh tế Dung Quất.

Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 tuyến quốc lộ với chiều dài hơn 355km, nhựa hóa 100%; 11 tuyến đường tỉnh, dài hơn 400 km, nhựa hóa, cứng hóa đạt gần 96,5%, gần 160km đường đô thị, nhựa hóa 100%; 1.373km đường huyện, nhựa hóa, cứng hóa đạt gần 66,8%; gần 2.000km đường xã, nhựa hóa, cứng hóa gần 48%, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã.

Ông Lê Quang Thích, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết phát huy truyền thống của một tỉnh có bề dày lịch sử, văn hiến và cách mạng; các tiềm năng và lợi thế, kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi tiếp tục đoàn kết, phấn đấu, đi đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ đột phá và 2 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp; phát triển đô thị; phát triển nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi.

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trong hành lang Đông-Tấy có nhiều tiềm năng và lợi thế, Quảng Ngãi tiếp tục phấn đấu hoàn thành sớm trước thời hạn các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Có thể khẳng định rằng sau 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu to lớn, nhất là về kinh tế. Đời sống nhân dân tại các địa phương trong tỉnh được cải thiện rõ rệt và không ngừng được nâng cao; tiềm lực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng ngày càng được củng cố và phát triển. Những năm tới hứa hẹn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có những bước bứt phá ngoạn mục toàn diện, phấn đấu đạt được mục tiêu trở thành thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần từ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục