Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai (Gia Lai) được giao quản lý, bảo vệ hơn 13.000ha rừng.
Từ năm 2013-2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai vẫn kê khai diện tích 1.505,88ha đất không có rừng để nhận tiền giao khoán bảo vệ rừng hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn để mất gần 3.000ha rừng được giao quản lý, bảo vệ.
Theo Kết luận thanh tra số 10 ngày 9/7/2020 của Thanh tra tỉnh Gia Lai, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai đã để xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai đã để mất gần 3.000ha rừng; trong đó có hơn 2.200ha do đơn vị tự rà soát thống kê, gần 700ha do đoàn thanh tra kiểm tra, phát hiện thêm. Hầu hết các diện tích rừng bị mất này là do bị người dân lấn chiếm.
Mặc dù diện tích rừng bị mất lớn và diễn ra trong thời gian dài nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai không kịp thời theo dõi, đôn đốc, thống kê, báo cáo số liệu cho cấp trên (trong 7 năm chỉ thống kê được hai vụ phá rừng với diện tích hơn 3ha). Trách nhiệm chính thuộc về ông Phan Văn Vinh - nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai (hiện là Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện), Phó Trưởng ban, cán bộ kỹ thuật cùng các nhân viên trạm quản lý bảo vệ rừng.
Đối với công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, đơn vị cũng đã để xảy ra nhiều sai phạm về thu, chi ngân sách như chi không đúng phụ cấp đi rừng, chi khống tiền làm ngoài giờ cho nhân viên, chi sai tiền mua sắm trang phục cho lực lượng bảo vệ rừng với tổng số tiền hơn 17 triệu đồng. Số tiền này Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai phải nộp trả vào ngân sách Nhà nước.
Trong hai năm (2017-2018), Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai được ngân sách hỗ trợ hơn 305 triệu đồng để cùng người dân trồng hơn 85ha rừng, tuy nhiên chỉ có hơn 26ha diện tích cây trồng còn sống (đạt 30%), tỷ lệ cây chết là khoảng 70%, tương ứng với kinh phí bị thiệt hại hơn 130 triệu đồng. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh không kiến nghị thu hồi số tiền này vì xét nguyên nhân cây chết là do thời tiết, thổ nhưỡng không phù hợp.
[Xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị trong bảo vệ và phát triển rừng]
Đối với kinh phí dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai đã thanh toán cho đơn vị thi công vượt hơn 20 triệu đồng. Về kinh phí thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, trước khi tiến hành thanh tra, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai đã chủ động cắt giảm diện tích khoán và thu hồi các nhóm nhận khoán đối với diện tích hơn 735ha đất không có rừng, số tiền là 950 triệu đồng; đã nộp trả ngân sách hơn 400 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 540 triệu đồng đang được Ban tiếp tục thu từ các hộ nhận khoán để nộp trả ngân sách Nhà nước.
Riêng đối với diện tích 1.505,88ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai tự quản lý, bảo vệ đã nhận số tiền hơn 715 triệu đồng, mặc dù là diện tích không có rừng song trên thực tế Ben đã chi phí đầu tư cho các công trình phục vụ lâm sinh, bổ sung cho tiền khoán bảo vệ diện tích rừng sản xuất. Các nội dung chi đầu tư này có lập kế hoạch, dự toán và được sự cho phép của cấp trên, do vậy số tiền này không bị kiến nghị thu hồi.
Trách nhiệm chính trong việc để xảy ra thiếu sót, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thuộc về ông Phan Văn Vinh-nguyên Trưởng ban, bà Mai Thị Lợi-Kế toán, ông Nguyễn Đình Sơn-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai.
Căn cứ vào kết quả thanh tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo, viên chức của đơn vị đối với thiếu sót, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao; thu hồi, nộp ngân sách số tiền 37.498.000 đồng (chi sai phụ cấp đi rừng, làm ngoài giờ, mua trang phục cho nhân viên và thanh toán vượt cho đơn vị thi công); tiếp tục đôn đốc, thu hồi số tiền khoán quản lý bảo vệ rừng còn lại của các nhóm họ đã nhận nhưng không có rừng với số tiền hơn 540 triệu đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước.
Ban Quản lý phải báo cáo bổ sung diện tích rừng bị mất cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để giảm trừ diện tích rừng phải chi trả trong thời gian tới.
Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác rà soát, thống kê rừng để chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế nêu trong kết luận; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan có biện pháp xử lý đối với diện tích rừng bị lấn chiếm./.