Thanh tra Chính phủ và UNDP mở tọa đàm phòng, chống tham nhũng

Tọa đàm nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng, hướng tới kỷ niệm 10 năm Công ước của Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ và UNDP mở tọa đàm phòng, chống tham nhũng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Sonla.gov.vn)

Nhân ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng, ngày 9/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức tọa đàm với chủ đề "Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển".

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và vai trò của các chủ thể ngoài khu vực nhà nước nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam”; hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng, hướng tới kỷ niệm 10 năm Công ước của Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng chính thức có hiệu lực (2005-2015).

Đồng thời, tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cũng như những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng; khuyến khích sự tham gia tích cực chủ động của người dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Với cách tiếp cận mới, tọa đàm đã phản ánh bầu nhiệt huyết sôi nổi của tuổi trẻ với mong muốn thay đổi nhận thức, hành động của các thế hệ sinh viên thông qua Dự án "Giảng đường tươi đẹp"; chia sẻ tác động tích cực cũng như những khó khăn, thách thức của việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy của Học viện An ninh; nhìn nhận sự nỗ lực của khu vực tư nhằm phòng ngừa tham nhũng thông qua việc xây dựng, triển khai thực hiện các bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng..., qua đó cho thấy nhận thức, sự tham gia của mọi thành phần, khu vực trong xã hội vào công tác phòng, chống tham nhũng đang ngày càng được đẩy mạnh. Phòng, chống tham nhũng không còn được coi là nhiệm vụ của riêng Chính phủ.

Người dân giờ đây không còn thụ động, e ngại, chỉ ngồi quan sát và bình luận về những gì mà các cơ quan nhà nước đang làm, mà đã thực sự chủ động tham gia tích cực vào những nỗ lực phòng, chống tham nhũng chung của cả hệ thống chính trị bằng những hành động rất thiết thực, có tính lan tỏa cao.

Các đại biểu nhận định sự ra đời của Công ước Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng đã góp phần quan trọng đưa vấn đề chống tham nhũng vào chương trình nghị sự của tất cả các quốc gia trên thế giới. Công ước đã trở thành chiếc cầu nối vững chắc để đưa các quốc gia ngày càng sát lại gần nhau trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng thông qua các công cụ và các kênh hợp tác hiệu quả.

Trên thực tế, có thể khẳng định thời gian qua, nhận thức của người dân về vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tham nhũng đã tăng lên đáng kể; người dân đã tích cực hơn, chủ động hơn trong tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp, sáng kiến tăng cường minh bạch, liêm chính, chủ động hơn trong phát hiện và tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đã minh bạch hơn, tính trách nhiệm giải trình cao hơn, đảm bảo cơ chế đối thoại cởi mở và thường xuyên hơn với người dân, nhiều vụ việc sai phạm đã được xử lý nghiêm nhờ sự tham gia tích cực của người dân, báo chí.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng công tác phòng chống tham nhũng mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, cần làm nhiều hơn nữa để phát huy hơn nữa vai trò của người dân, của các thành phần trong xã hội trong phòng chống tham nhũng.

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Hiến pháp, pháp luật, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, gắn với công tác cải cách hành chính và cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện hiệu quả cơ chế giám sát, phản biện, tham gia vào hoạch định chính sách của người dân; đẩy mạnh cơ chế bảo vệ người tố cáo và khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo hành vi tham nhũng; đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, không có “vùng cấm’ trong phòng chống tham nhũng.

Làm tốt việc này cũng là để củng cố lòng tin của người dân đối với quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công tác này.

Trong khuôn khổ các hoạt động tuyên truyền nhân ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng, ban tổ chức đã trưng bày triển lãm về các ấn phẩm, công cụ về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục