Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận Thanh tra trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 5 trường đại học trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Nghị định Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm trường đại học gồm Đại học Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Vinh, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Triển khai chậm, quản lý lỏng lẻo
Theo kết luận thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các sự nghiệp trực thuộc rất chậm.
Tháng 10/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản thông báo ủy quyền cho các đơn vị sự nghiệp về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh lý tài sản hết hiệu lực. Do đó, các đơn vị này không được tự chủ trong một số lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền. Việc này không phù hợp với xu hướng phân cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị và chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 43.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định 43 còn chậm, nhất là việc ban hành hệ thống định mức kinh tế kĩ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa xây dựng được các tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, việc kiểm tra, giám sát hạn chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dẫn đến những khuyết điểm, sai phạm 5 trường đại học trên các lĩnh vực như nhân sự, chuyên môn, tài chính… không được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.
Tuyển sinh vi phạm quy chế hàng loạt
Đối với 5 trường đại học, kết luận cho biết cả 5 đơn vị này đều chưa xây dựng được phương án tự chủ về bộ máy, chưa ban hành hoặc chưa điều chỉnh sửa đổi, bổ sung “Quy chế thực hiện dân chủ”, chưa thành lập Hội đồng trường, một số đơn vị chưa ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ đối với các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Điều lệ trường đại học.
Các trường còn ban hành một số văn bản không phù hợp với quy định của nhà nước, hoặc căn cứ vào các quy định đã hết hiệu lực, các khoản thu, chi không đúng quy định của nhà nước, ban hành một số văn bản quy định mức thu học phí, lệ phí vượt mức quy định và ngoài danh mục theo Nghị định 57 của Chính phủ.
Trong hoạt động tuyển sinh, các trường cũng có nhiều sai phạm từ tuyển sinh hệ chính quy đến đào tạo từ xa, từ bậc đại học đến sau đại học.
Với tuyển sinh, đào tạo sau đại học, một số học viên của Đại học Huế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo thạc sỹ kinh tế khoá 20 thời gian vượt quá quy định một năm.
Với tuyển sinh đại học, một số trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thậm chí Đại học Nông lâm thuộc Đại học Huế không được giao chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển sinh từ liên thông cao đẳng lên đại học chính quy năm 2011 với 110 sinh viên.
Trường Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Huế) mở ngành đào tạo văn bằng 2 chưa có sự đồng ý của Giám đốc Đại học Huế. Thậm chí thời gian giảng dạy hệ này chưa đúng với quy định khi giảng dạy vào thứ Bảy, Chủ nhật và buổi tối các ngày trong tuần.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong tuyển sinh đào tạo từ xa như Trung tâm Đào tạo từ xa thuộc Đại học Huế tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh cả học viên chưa đảm bảo yêu cầu về ngoại ngữ.
Nợ thuế tiền tỷ
Về tự chủ tài chính, hầu hết các đơn vị đều thu vượt, thu ngoài quy định của Nhà nước, vi phạm Nghị định 43, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP này 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.
Một số đơn vị sự nghiệp chưa thực hiện trích lập đầy đủ các loại quỹ theo quy định, nhất là quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và quỹ học bổng. Trường có tiền gửi ngân hàng tồn quỹ lớn chưa sử dụng trong khi không đầu tư xây dựng, việc đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học ít, gây lãng phí nguồn vốn.
Từ những sai phạm qua quá trình thanh tra đối với 5 trường đại học như trên, Thanh tra Chính phủ phát hiện các đơn vị chưa nộp thuế với số tiền là hơn 2 tỷ đồng, trong đó Đại học Huế là hơn 600 triệu, Học viện Nông nghiệp gần 1,4 tỷ đồng….
Thanh tra Chính phủ cũng xử lý sai phạm trong đầu tư, xây dựng với số tiền gần 7 tỷ đồng. Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giảm trừ giá trúng thầu là gần 1,6 tỷ đồng.
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh giảm trừ giá trúng thầu là hơn 647 triệu đồng. Đại học Huế thu hồi số tiền hơn 700 triệu về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.
Trường Đại học Y–Dược (Đại học Huế) giảm trừ giá trị quyết toán số tiền hơn 485 triệu đồng. Học viện Nông nghiệp Việt Nam giảm trừ giá trị quyết toán số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Trường Đại học Vinh giảm trừ giá trị khi thanh toán số tiền hơn 1 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án tổ chức rà soát lại hồ sơ các gói thầu chưa được kiểm tra, kiểm toán.
Trước những sai phạm trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý, sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức chi, định mức kinh tế - kĩ thuật. Trước mắt quy định rõ nội dung chi, mức chi tối thiểu cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ đào tạo với từng loại hình, khắc phục tình trạng dạy chay, dạy lí thuyết, xa rời thực tiễn…
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm và triển khai tốt hơn Nghị định 43./.