Bài 1: Phí các dịch vụ ngân hàng đang được tính như thế nào

Thanh toán không tiền mặt: Các loại phí có là rào cản lớn?

Một trong những rào cản làm hạn chế mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đưa ra chính là các khoản phí...
Thanh toán không tiền mặt: Các loại phí có là rào cản lớn? ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Thanh toán không sử dụng tiền mặt đang dần trở thành hình thức thanh toán được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là trong thời gian gần đây.

Trên thực tế, thanh toán không dùng tiền mặt giúp mang lại nhiều lợi ích cho người dân như tiết kiệm thời gian, công sức khi chờ đợi, di chuyển trên đường, đặc biệt có thể tránh được các bệnh truyền nhiễm...

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người e ngại khi sử dụng dịch vụ này vì mức phí hiện được cho là khá cao với người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp.

Đây cũng đang là một rào cản làm hạn chế mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đưa ra.

Trăm loại phí 'đổ' vào người dùng tài khoản

Một khách hàng, sẽ phải chịu những phí bắt buộc như sau: Phí mở tài khoản (50.000-100.000 đồng/lần tùy các ngân hàng); Phí giao dịch chuyển khoản (kèm theo là phí SMS internet banking); Phí duy trì tài khoản (tùy từng ngân hàng quy định).

Ngoài ra là các phí giá trị gia tăng do các khách hàng lựa chọn dùng hay không như: tin nhắn báo biến động số dư; tài khoản số đẹp...

Với các loại phí dịch vụ, nhìn chung các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lại thu cao hơn các ngân hàng Nhà nước như phí phát hành thẻ Vietcombank thu 50.000 đồng/thẻ;  BIDV 55.000 đồng. Trong khi đó, Techcombank và Sacombank đều thu 99.000 đồng.

Ngân hàng ACB áp dụng chính sách miễn phí thẻ thứ nhất và thẻ thứ 2 thu 50.000 đồng. Cá biệt VPBank có mức thu là 20.000 đồng.

Ở phí cấp lại PIN: Vietcombank thu 9.090 đồng, BIDV là 11.000 đồng, Techcombank 30.000 đồng, VPBank 20.000 đồng, Sacombank 50.000 đồng, ACB 20.000 đồng...

Thanh toán không tiền mặt: Các loại phí có là rào cản lớn? ảnh 2(Các mức phí trên đã bao gồm thuế VAT)

Đối với việc thu phí dịch vụ SMS và Mobile Banking: Vietcombank và Agribank đều thu 11.000 đồng/tháng với mỗi loại. VietinBank và BIDV thu 9.900 đồng mỗi loại.

Khách hàng “than” phí cao

Mua một con gấu bông trị giá 120.000 đồng để cho con gái nhưng trong ví lại không đủ tiền, anh Trần Văn Hậu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) định chuyển khoản nhưng khi nghĩ đến việc chỉ mua một con gấu bông giá trị nhỏ mà lại mất thêm 7.700 đồng tiền phí chuyển khoản sang ngân hàng khác nên anh Hậu đành phải chọn món đồ khác có giá trị thấp hơn để trả bằng tiền mặt. 

[Tận dụng thời cơ kinh tế số, đẩy mạnh thanh toán điện tử]

“Mua món đồ này mình đã mất thuế rồi, giờ mà chuyển khoản lại mất thêm phí và thuế nữa thì tôi thấy không hợp lý,” anh Hậu băn khoăn.

Cùng chung băn khoăn với anh Hậu, chị Ngô Thu Thuỷ (Hà Nội) làm công nhân nên lương cũng không cao. “Tôi có tài khoản tại Vietcombank, hàng tháng tôi chỉ dám chuyển khoản về quê cho mẹ mà đã mất 7.700 đồng rồi, số còn lại tôi ra ATM rút chi tiêu hàng ngày. Thực sự tôi thấy rất ‘buốt ruột’ nếu bảo nhiều thì cũng không phải là nhiều nhưng tiền đã trong túi mình rồi tự nhiên mất đi thấy cũng tiếc lắm.”

Trường hợp của anh Hậu, chị Thuỷ không phải là cá biệt. Và đây cũng chính là một lý do khiến việc phát triển thanh toán phi tiền mặt gặp trở ngại trong thời gian qua.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay có 5 ngân hàng không thu phí rút tiền tại ATM, chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng là TPBank, Techcombank, MB, VIB, PVCombank và VPBank.

Số còn lại hầu hết đều thu 2 khoản phí, điển hình là nhóm big 4: Gồm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam-Vietcombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển-BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn-Agrigbank và Ngân hàng Công thương Việt Nam-VietinBank.

Cụ thể, đối với chuyển khoản nội bộ thì ở Vietcombank quy định dưới 50 triệu đồng thu 2.200 đồng/giao dịch, từ 50 triệu đồng trở lên thu 5.500 đồng.

Tại BIDV quy định dưới 10.000 đồng được miễn phí, dưới 30 triệu đồng thu 1.100 đồng/giao dịch, trên 30 triệu đồng thu 0,01% số tiền chuyển tối đa là 9.900 đồng/giao dịch.

Tại Agribank dưới 10 triệu đồng thu 2.200 đồng/giao dịch, trên 10-25 triệu đồng thu 5.500 đồng/giao dịch, trên 25 triệu đồng thu 7.700 đồng/giao dịch.

Trong nhóm này, việc chuyển khoản nội bộ của VietinBank không thu phí khách hàng.

Với việc chuyển khoản ngoài hệ thống, được các ngân hàng chia ra nhiều mức phí khác nhau. Đây là vấn đề được nhiều khách hàng quan tâm nhất và cũng là nỗi băn khoăn của nhất của khách hàng

Tại Vietcombank, khách hàng chuyển khoản dưới 500.000 đồng có mức phí là 5.500 đồng, còn BIDV thu 2.200 đồng.

Đối với chuyển khoản từ 500.001 đồng đến dưới 2 triệu đồng cả 2 Vietcombank và BIDV đều thu 7.700 đồng. Chuyển khoản trên 10 triệu đồng 2 ngân hàng này đều thu 0,02% số tiền chuyển tối thiểu 11.000 đồng/giao dịch.

Trong khi đó, tại VietinBank chuyển dưới 50 triệu đồng thu 8.800 đồng, trên 50 triệu đồng thu 0,01% giá trị giao dịch, tối thiểu 9.900 đồng.

Tại Agribank chuyển dưới 2 triệu đồng thu phí 5.500 đồng, trên 2 triệu đồng trở lên thu 0,05% số tiền giao dịch tối thiểu 8.800 đồng.

Còn chuyển khoản nhanh 24/7, cả 4 ngân hàng này và một số nhà bang khác đều thu từ 7.700 đồng/giao dịch.

Tuy nhiên, đối với dịch vụ này, lãnh đạo Vietcombank cho biết từ ngày 1/10/2020 ngân hàng này đã chính thức triển khai gói dịch vụ tài khoản cơ bản, theo đó khách hàng đăng ký gói phí sẽ được miễn phí duy trì SMS Banking và VCB Digibank nếu số dư bình quân đạt trên 6 triệu/tháng hoặc trên 4 triệu/tháng với khách hàng đăng ký gói dịch vụ không bao gồm SMS Banking.

Còn tại VietinBank, tất cả khách hàng cá nhân số dư bình quân từ 10 triệu đồng mỗi tháng trở lên có thể đăng ký sử dụng gói tài khoản V-Biz để tận hưởng “đa lợi ích” hoàn toàn miễn phí nhiều dịch vụ về thẻ, ngân hàng điện tử, chuyển tiền, bảo hiểm...

Bài 2: Phí dịch vụ ngân hàng-lý giải của chuyên gia 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục