Thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công: Tiết giảm chi phí

Tiết kiệm thời gian xếp hàng, không phải mang tiền mặt, giảm tải cho bộ phận nhân viên tài chính là những lợi ích khi thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế và giáo dục tại TP Hồ Chí Minh.
Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phố biến. (Nguồn: Vietcombank)

Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tháng 8/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và đề nghị các địa phương thực hiện một số công việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, với ưu tiên trong thời gian tới cho lĩnh vực y tế, giáo dục.

Theo các chuyên gia tài chính, chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Điều này đã và đang mang lại những tiện ích cho người dân và các cơ sở dịch vụ công, tuy nhiên, để triển khai rộng cần phải có thời gian, lộ trình thực hiện để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, không phải đứng chờ xếp hàng, không cần phải mang tiền mặt, giảm tải áp lực cho đội ngũ cán bộ nhân viên… Đó là những lợi ích có thể thấy rõ khi thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế và giáo dục hiện nay.

Từ trường học…

Vài năm gần đây, vợ chồng chị Thu Thủy ở Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, không còn cảnh đứng xếp hàng chờ đợi để đóng học phí cho 3 đứa con của mình.

Thay vào đó, chị có thể ngồi nhà và mất vài phút để thanh toán học phí cho các con qua hình thức chuyển khoản ngân hàng.

Theo chị Thủy, những năm trước cứ đến đầu năm học là anh chị phải nghỉ làm để thay nhau đến trường đóng học phí cho các con.

Do việc đóng học phí và các khoản thu thường tập trung đầu năm học và quy định trong một khoảng thời gian nhất định nên phòng tài chính của trường lúc nào cũng đông phụ huynh đứng chờ.

Trong khi đó, công việc của anh chị vốn rất bận rộn nên điều này không chỉ phải chen lấn mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến công việc.

Vì vậy, khi nhà trường thông báo phụ huynh có thể thanh toán học phí qua chuyển khoản ngân hàng thì những người như vợ chồng chị rất vui mừng.

[Đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí]

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã bắt đầu thí điểm mô hình trường học không sử dụng tiền mặt từ năm học 2014-2015 với việc thanh toán học phí, các khoản thu thông qua dịch vụ ngân hàng.

Đặc biệt, năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai thử nghiệm mô hình quản lý Trường học thông minh-Trường học không tiền mặt bằng thẻ đa năng cho học sinh khối 7, Trường trung học cơ sở Lý Thánh Tông (Quận 8).

Cùng với cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt, thẻ đa năng tích hợp nhiều tiện ích khác như điểm danh học sinh, mua hàng và thanh toán bằng thẻ tại trường, tương tác giữa nhà trường và phụ huynh thông qua tin nhắn…

Đáng chú ý, mọi hoạt động thông qua thẻ của học sinh đều được thông tin đến phụ huynh.

Qua triển khai thực tiễn cho thấy, đa số các em học sinh và phụ huynh đều hưởng ứng bởi những tiện lợi mà mô hình này mang lại. Đến nay, đã có hơn 300 trường trên địa bàn thành phố triển khai áp dụng mô hình này.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong trường học, việc thanh toán không tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho phụ huynh, tiết kiệm thời gian xếp hàng, chờ đợi đóng các khoản thu hàng tháng tại trường, giảm tải cho bộ phận tài chính của trường.

Đồng thời, giúp phụ huynh theo sát mọi chi tiêu của con em và hình thành cho trẻ thói quen không dùng tiền mặt.

Dự kiến, trong năm học 2019-2020, mô hình trường học không dùng tiền mặt với ứng dụng thẻ đa năng sẽ được nhân rộng thêm 5 trường trên địa bàn.

Đồng tình với chủ trương không dùng tiền mặt trong trường học, chị Thanh Nhàn, phụ huynh có con đang học lớp 3 tại Quận 3 chia sẻ, hàng tháng việc thanh toán tiền điện, nước hoặc sử dụng các dịch vụ mua sắm cũng đều thanh toán bằng thẻ.

Vì vậy, chủ trương thanh toán học phí, các khoản thu trong trường học thông qua ngân hàng sẽ tạo thuận tiện cho phụ huynh.

Chỉ cần có dịch vụ internet banking, phụ huynh có thể đóng các khoản cho nhà trường mà không phải mất thời gian đến trường chờ đợi.

… cho đến bệnh viện

Làm thủ tục thanh toán viện phí ở một bệnh viện. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Cuối tháng 8/2019, anh NTT ở Bến Tre lên Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh thì được nhân viên bệnh viện hướng dẫn thanh toán viện phí qua Mobile banking.

Anh chỉ cần quét mã thanh toán QR-code trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện và ngay lập tức trả kết quả phản hồi.

Nhờ phương thức này, anh T. không phải xếp hàng chờ đóng viện phí, rút ngắn thời gian khám bệnh rất nhiều so với trước đây.

Theo anh NTT, có từng đi khám bệnh và trải qua cảm giác mỏi mệt khi đứng xếp hàng chờ đóng viện phí thì mới hiểu hết những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, trong những lần tái khám sau đó, bệnh nhân không cần mang theo nhiều tiền mặt và không còn lo tình trạng móc ví, cướp giật có thể xảy ra trong quá trình di chuyển.

Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong và triển khai hiệu quả thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt trong ngành y tế nói chung và ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Đến nay, có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng mã QR tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn.

Thậm chí, bệnh nhân có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa.

Ông Trần Văn Đức, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện đã triển khai 8 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để người bệnh có nhiều sự lựa chọn cho phù hợp.

Đến nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện đã đạt 35% tổng mức thanh toán của toàn bệnh viện.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ cuối năm 2013 bệnh viện này cũng đã triển khai chương trình dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Thẻ thanh toán còn hoạt động như thẻ ATM, giúp người sở hữu thực hiện các giao dịch thông thường khác.

Bên cạnh đó, bệnh viện còn có hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt khác là dùng thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) và nhận chuyển khoản.

Không chỉ riêng hai bệnh viện trên, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong vài năm nay, nhất là tại các bệnh viện có lượng bệnh nhân tới khám đông.

Theo thống kê của nhiều bệnh viện, so với người thanh toán tiền mặt, bệnh nhân sử dụng thẻ giảm hơn 50% thời gian chờ đóng tiền, giảm 15% thời gian tổng quy trình khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện các cơ sở y tế đang tích cực đẩy mạnh hình thức thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, cũng như các khoản chi hoạt động thường xuyên của đơn vị bằng hình thức không dùng tiền mặt.

Đơn cử như Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai thanh toán qua thẻ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại khu khám theo yêu cầu 2 và cũng đã triển khai thanh toán qua ví điện tử MoMo.

Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thẻ khám chữa bệnh có chức năng thanh toán (tích hợp ATM) tại Khoa khám ngoại trú…

Bên cạnh hình thức thanh toán qua chuyển khoản và máy POS, một số bệnh viện đang triển khai thanh toán qua hình thức thẻ khám chữa bệnh.

Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện cuối năm của Bộ Y tế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, thanh toán không dùng tiền mặt là định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách này có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, ngành ngân hàng và người tiêu dùng.

Đến nay, ngành ngân hàng đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Các chỉ tiêu đề ra theo Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đặt ra cho ngành ngân hàng luôn có tăng trưởng cao ở cả số lượng giao dịch, số lượng thẻ và giá trị giao dịch bao gồm cả hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giao dịch chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, số lượng máy ATM, POS.

Các ngân hàng cũng đã phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ cho khách hàng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống như sec, ủy nhiệm chi … thì dịch vụ Internet banking, Mobile Banking đã được triển khai rộng rãi, phổ biến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục