Thanh toán không dùng tiền mặt: Cần đa dạng hóa dịch vụ sản phẩm

Sau gần 6 năm thực thi Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh mới giảm được từ 12,01% xuống trên 11% vào cuối năm 2018.
Thanh toán không dùng tiền mặt: Cần đa dạng hóa dịch vụ sản phẩm

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và rút xuống còn 8% vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, sau gần 6 năm thực thi Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ trọng này mới giảm được từ 12,01% xuống trên 11% vào cuối năm 2018.

Để tìm hiểu về thực trạng và những giải pháp đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam xoay quanh chủ đề này.

- Thanh toán không dùng tiền mặt là một chủ trương đúng, nhưng đâu là nguyên nhân khiến việc triển khai đến nay vẫn còn chậm, thưa ông?

Ông Đào Minh Tuấn: Có hai chủ thể liên quan đến việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là những người mua bán hàng hóa dịch vụ phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán khi mua sắm và các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ phải sử dụng các phương tiện chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt để người sử dụng dịch vụ có thể thanh toán được.

Hiện còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng và Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp các phương tiện thanh toán cho người dân, nhưng các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Thế nhưng, tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ví như dịch vụ công với định hướng là tất cả dịch vụ phải được thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt, nhưng thực tế thời gian qua chuyển biến rất chậm.

[Không dùng tiền mặt thanh toán thủ tục hải quan từ 1/4]

Tóm lại, phía ngân hàng cũng cần cố gắng để đa dạng hóa dịch vụ sản phẩm cho người dân sử dụng, ngược lại các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thể là cá thể, các đơn vị doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành cần có chính sách, phương thức để khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Với việc các loại thẻ ngân hàng, ví điện tử hay ứng dụng thanh toán di động đang ngày càng trở nên phổ biến, ông nhận định ra sao về những chuyển biến trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian tới?

Ông Đào Minh Tuấn: Chúng ta đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và đặc biệt các ngân hàng cũng số hóa nên các dịch vụ ngân hàng nói chung cũng dựa trên nền tảng số hóa hiện đại.

Do đó, các phương tiện thanh toán như thẻ đã phát hành, ví điện tử, các công nghệ như thẻ phi tiếp xúc, công nghệ 1 chạm trong thời gian tới chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt: Cần đa dạng hóa dịch vụ sản phẩm ảnh 1

- Có ý kiến cho rằng, nhiều ngân hàng chạy đua phát hành thẻ dẫn đến lượng thẻ “chết,” thẻ không được sử dụng đang ở mức cao. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Ông Đào Minh Tuấn: Điều này đúng với khoảng thời gian cách đây 5 năm khi ngoài các ngân hàng lớn tham gia vào thị trường thẻ thì cũng đã xuất hiện các ngân hàng nhỏ. Đồng thời từng có hiện tượng chạy theo số lượng thẻ phát hành thay cho bao nhiêu thẻ active (kích hoạt sử dụng).

Tuy nhiên, theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, lượng thẻ gọi là thẻ chết chỉ còn là tồn tại của giai đoạn trước. Nếu đánh giá số lượng thẻ các ngân hàng active trong 5 năm trở lại đây mà không tính đến lượng thẻ "chết" tồn tại trước đó thì tỷ lệ lên tới 90%.

[Những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt]

- Thẻ tín dụng trở nên phổ biến và nhiều hành vi gian lận dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt mà không phát sinh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ cũng đã bị phát hiện. Theo ông, trách nhiệm của cơ quan quản lý ra sao để thẻ hoạt động hiệu quả đúng chức năng của nó?

Ông Đào Minh Tuấn: Đối với thẻ phát hành đối mặt với rủi ro về giả mạo đa phần xuất phát từ nhận thức của người dân còn hạn chế. Trách nhiệm của ngân hàng và cơ quan quản lý phải truyền thông để người dân hiểu được những rủi ro về thẻ là gì và những hành vi nào khi dùng thẻ có thể vô ý để lộ các thông tin cá nhân khiến các đối tượng giả mạo lợi dụng lấy cắp thông tin, ăn cắp tiền trong thẻ.

Trong thời gian qua đã có hiện tượng câu kết cùng các đối tượng giả mạo phát hành thẻ giả, có thể mua bán công khai trên web đen, chủ yếu chủ thẻ là người nước ngoài mua bán khống hàng hóa, dịch vụ hòng chiếm đoạt tiền. Trách nhiệm đặt ra với các ngân hàng là phải thẩm định năng lực tài chính, uy tín của các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ.

Có hiện tượng nhiều đơn vị chấp nhận thẻ cho phép khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có thông báo tới các ngân hàng thương mại trong việc rà soát các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ nhằm hạn chế hiện tượng này.

- Thưa ông, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các công ty Fintech với nhiều dịch vụ thanh toán đa dạng, hiện đại liệu có đang gây áp lực cạnh tranh lớn đến các ngân hàng tại Việt Nam?

Ông Đào Minh Tuấn: Điều này là có. Các ngân hàng hiện nay cũng nhận thức được điều đó. Đối với các Fintech do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ nên có thể mở rộng tập khách hàng rất nhanh. Trong khi ngân hàng tiếp cận khách hàng vẫn theo phương thức truyền thống là mở tài khoản. Cụ thể, khi mở tài khoản, khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng mà chưa cho phép khách hàng được sử dụng phương pháp eKYC (nhận biết khách hàng qua phương thức điện tử). Do đó, thách thức hiện nay là hàng rào pháp lý đối với ngân hàng so với Fintech.

Hiện nay, để Fintech cung cấp chính thống các dịch vụ thanh toán, trong đó có cả các dịch vụ công thì Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý để cho phép các Fintech tham gia.

Đối với ngân hàng tuy thách thức lớn như vậy, nhưng các ngân hàng cũng xác định phải hợp tác cùng Fintech vì Fintech có rất nhiều lợi thế. Chính cách thức mở rộng tập khách hàng như trên là 1 trong những điều buộc ngân hàng phải thay đổi về cách thức thế nào cho phù hợp. Đồng thời các dịch vụ tiện ích cũng phải đa dạng và có sự phối hợp.

Thời gian qua, các Fintech cũng đã phối hợp với ngân hàng từ việc khách hàng buộc phải có tài khoản ngân hàng và tiền vào ví điện tử phải xuất phát từ tiền ngân hàng, tiền mặt ra vào ví điện tử cũng phải thông qua ngân hàng. Đây cũng là tiền đề để hợp tác giữa ngân hàng và Fintech được thuận lợi, đảm bảo cung cấp đa dạng các phương thức thanh toán cho khách hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt: Cần đa dạng hóa dịch vụ sản phẩm ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: cnbc.com)

- Dù đã rất đa dạng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng đối tượng sử dụng hầu hết vẫn là những người trẻ tuổi, giải pháp nào có thể cải thiện được tình trạng này, thưa ông?

Ông Đào Minh Tuấn: Chúng ta cần phân cấp độ tuổi bao nhiêu dùng dịch vụ nào, định hướng maketing của ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng phải theo từng đối tượng, tập khách hàng.

Do công nghệ thay đổi liên tục nên đối tượng trẻ vẫn dễ tiếp cận nhất, là đối tượng tiên phong trong sử dụng các dịch vụ trên nền tảng công nghệ mới. Với đối tượng lớn tuổi hơn, mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải phân tích hành vi để cung cấp dịch vụ phù hợp nhất nhằm thay đổi hành vi, thói quen của các đối tượng này.

- Người dùng mong muốn thanh toán nhanh, tiện lợi, nhưng cũng đòi hỏi phải an toàn, bảo mật. Ông có lưu ý ra sao với các nhà cung cấp dịch vụ cũng như bản thân người sử dụng để đảm bảo an toàn trong các giao dịch?

Ông Đào Minh Tuấn: Như một ngôi nhà, tài sản chúng ta trong đó cần được bảo vệ bằng nhiều lớp khóa khác nhau để đảm bảo chỉ chúng ta mới truy cập được.

Khi sử dụng dịch vụ điện tử, khách hàng tự động đăng nhập và sử dụng "khóa điện tử" do ngân hàng cung cấp để truy cập vào tài khoản để rút tiền, chuyển tiền... nên quan trọng nhất là ý thức của mỗi khách hàng khi sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử.

Với nhà cung cấp dịch vụ - nơi quản lý rất nhiều tài sản của khách hàng, cần liên tục đầu tư, bảo vệ nó bằng cách gia cố, phát triển các hệ thống an toàn, bảo mật cho khách hàng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục