Thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 289.000 tỷ đồng mỗi ngày

Tính đến cuối năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý khoảng 137.594 nghìn giao dịch, với giá trị đạt khoảng hơn 73 triệu tỷ đồng.
Thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 289.000 tỷ đồng mỗi ngày ảnh 1Thanh toán bằng QR Code của TPBank. (Nguồn: CTV)

Tại buổi họp báo về kết quả kinh doanh năm 2018 của ngành ngân hàng, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý khoảng 137.594 nghìn giao dịch, với giá trị đạt khoảng hơn 73 triệu tỷ đồng.

Số lượng và giá trị giao dịch bình quân mà hệ thống xử lý trong ngày đạt trên 544.000 giao dịch/ngày, trên 289.000 tỷ đồng/ngày (tăng tương ứng 25% và 24% so với năm 2017).

[Tăng tính bảo mật để ngân hàng ứng dụng nhanh công nghệ 4.0]

Cũng theo ông Dũng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng là hệ thống thanh toán xương sống của Quốc gia được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt. Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) cũng đang trong quá trình thử nghiệm cuối cùng trước khi được vận hành chính thức phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, mạng lưới ATM/POS cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để phục vụ khách hàng. Tính đến cuối tháng 9/2018, trên toàn quốc có khoảng 18.173 ATM và khoảng 294.500 POS (tăng tương ứng 4,5 % và 13% so với cùng kỳ năm 2017) được lắp đặt.

Về phát triển công nghệ, dịch vụ thanh toán, trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ đạt gần 167 triệu giao dịch (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017) với giá trị giao dịch đạt 442.000 tỷ đồng.

Số liệu thống kê cho thấy mặc dù tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM vẫn tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng trong năm 2018 có xu hướng giảm dần (tỷ lệ số lượng, giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 là 17% và 22%, trong khi tỷ lệ này 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 là 12% và 16%).

Bên cạnh đó, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Trong 9 tháng năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet là hơn 178 triệu, với giá trị khoảng 11 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 33% và 18% so với cùng kỳ năm 2017); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là gần 122 triệu, với giá trị gần 1,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 29% và 128% so với cùng kỳ năm 2017)...

Ông Dũng cho biết, hiện một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như việc áp dụng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói…), sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), công nghệ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...

Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh đến thanh toán không dùng tiền mặt trong trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. Trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Việc triển khai Đề án 241 bước đầu đạt được một số kết quả cụ thể như: 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai Đề án phối hợp với các ngân hàng để nhờ thu hộ tiền khám chữa bệnh; số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân chiếm khoảng 21% tổng số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục