Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được phê duyệt, thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) được xác định có vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông, trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy, hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến nông-hải sản, công nghiệp năng lượng sạch và trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.
Cùng nhịp bước phát triển của toàn tỉnh, thành phố Sóc Trăng đã có những bước tiến nhanh, toàn diện và vững chắc, đạt tiêu chuẩn của một đô thị loại 2, đồng thời định hướng nhiều mục tiêu phấn đấu để bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng
Thành phố Sóc Trăng đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3 vào năm 2005. Từ đó đến nay, chặng đường phát triển chưa dài nhưng đô thị Sóc Trăng đã có những bước tiến đáng kể, có vai trò thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, thành phố Sóc Trăng có 10 phường, tổng diện tích khoảng gần 7.600ha.
Trong giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thành phố đạt 15,81%, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp theo mục tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 89,8%. Thu nhập bình quân của người dân thành phố đạt 88,9 triệu đồng/người/ năm, cao hơn 1,4 lần so với thu nhập bình quân cả nước.
Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một đô thị loại 2, dự kiến vào cuối tháng Tư năm nay, thành phố Sóc Trăng sẽ tổ chức lễ công bố quyết định công nhận đô thị loại 2, một trong những sự kiện chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992-2022).
Đề cập đến thu hút đầu tư tại địa phương, ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Sóc Trăng, thông tin thành phố nói riêng, tỉnh Sóc Trăng nói chung luôn tạo thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư đến thực hiện các dự án, tạo diện mạo đô thị khang trang, hiện đại như: Khu văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, Bệnh viện quốc tế Phương Châu, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sóc Trăng, các khu nhà ở thương mại.
Thành phố đang tập trung ưu tien đầu tư phát triển các trục hạ tầng kết nối như tuyến vành đai 1, vành đai 2...
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và thực hiện các đồ án quy hoạch đô thị luôn được thành phố chú trọng triển khai. Hiện, thành phố đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và đang triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể về xây dựng thành phố Sóc Trăng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050," Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị và chương trình phát triển đô thị thành phố Sóc Trăng đến năm 2030… góp phần đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Năm 2021 vừa qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, kinh tế của thành phố duy trì mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người vượt chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế và chiếm trên 54% tổng mức bán lẻ thương mại - dịch vụ của toàn tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến chiếm trên 70% giá trị công nghiệp và chiếm tỷ trọng trên 53% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Quận cho biết.
Còn theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, với mục tiêu phát triển toàn diện, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội thành phố Sóc Trăng đã tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ với kiến trúc, cảnh quan hiện đại.
Hiện nay, thành phố là đô thị tỉnh lỵ, trọng điểm của hệ thống đô thị trong tỉnh; có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, là cửa ngõ tỉnh Sóc Trăng và là một cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, thành phố đóng vai trò là đầu mối giao thông của tỉnh, kết nối thuận lợi với hầu hết các đô thị trong vùng, thông qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, Quốc lộ 61, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản Lộ-Phụng Hiệp…
Đánh giá về đô thị Sóc Trăng, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, thành phố Sóc Trăng đã đạt tiêu chí đô thị loại 2, trực thuộc tỉnh. Trong thời gian tới, thành phố chú trọng thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hiện tượng xâm nhập mặn trên địa bàn, nghiên cứu các giải pháp tăng cường sử dụng nước mặt, hạn chế và tiến tới dừng khai thác, sử dụng nước ngầm.
Đồng thời thành phố phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn đã đạt tiêu chí đô thị loại 2.
Hướng tới đô thị thông minh
Xác định tầm quan trọng mang tính chiến lược đối với việc phát triển thành phố Sóc Trăng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020-2025 đã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng thành phố Sóc Trăng phát triển bền vững, đạt tiêu chí đô thị loại 2, hướng đến đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Thành phố Sóc Trăng được xây dựng và phát triển với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu, đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết giữa thành phố với các huyện, thị xã của tỉnh, góp phần tạo động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh Sóc Trăng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, mục tiêu của tỉnh là xây dựng và phát triển thành phố Sóc Trăng đạt đô thị loại 2, xây dựng những yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển đô thị thông minh, thành phố kinh tế-sinh thái, đô thị có điều kiện sống tốt, có sức cạnh tranh cao, có bản sắc riêng và phát triển bền vững, tạo động lực phát triển chung của tỉnh.
[Khởi công hai cây cầu giao thông lớn trong thành phố Sóc Trăng]
Tại thành phố phát triển đô thị thông minh, thành phố kinh tế-sinh thái, đô thị có điều kiện sống tốt, có sức cạnh tranh cao, có bản sắc riêng và phát triển bền vững, chuẩn bị nền tảng để thực hiện thí điểm mô hình đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Tại thành phố Sóc Trăng có các dự án được triển khai như: Dự án tuyến đường Vành đai 1, dự án đường Trần Quang Khải nối dài, Nhà thi đấu tổng hợp, Khu vui chơi triển lãm và Hội chợ tỉnh, mở rộng kè đi bộ giữa 2 cầu C247, cầu 30/4, cầu Khu Hành chính, cầu chữ Y đến đường Hùng Vương, cầu Mạc Đĩnh Chi; cải tạo, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo hướng đến Trà Tim. Đồng thời, hình thành Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đô thị tại thành phố Sóc Trăng, kết nối đồng bộ hệ thống camera để quản lý, xử lý các vấn đề về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội, phản ánh hiện trường (IOC),… tiến tới kết nối đồng bộ Trung tâm xử lý, điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm vụ Sóc Trăng.
Đến năm 2025, thành phố Sóc Trăng sẽ hoàn thành mức cao của các tiêu chí đô thị loại 2, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và xây dựng cơ sở dữ liệu chủ yếu để hướng đến đô thị thông minh.
Liên quan tới quy hoạch, hướng đến đô thị thông minh, ông Nguyễn Văn Quận cho biết thêm thành phố Sóc Trăng đặt mục tiêu tiêu đến năm 2025 hoàn chỉnh 100% các đồ án quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị.
Thành phố sẽ hoàn chỉnh các dự án nhà ở hiện có, theo quy hoạch chi tiết được duyệt; hoàn thành các tuyến đường trong các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đã phê duyệt, như: Quy hoạch phân khu chợ đầu mối Phường 8, Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Hùng đến Quốc lộ 60).
Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thành dự án Quy hoạch thoát nước và chống ngập úng khu vực trung tâm thành phố Sóc Trăng có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, Dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam-tiểu dự án thành phố Sóc Trăng, Dự án cải tạo hệ thống hạ tầng, nạo vét kênh thoát nước…
Thành phố Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành các yếu tố cần thiết phục vụ xây dựng đô thị thông minh, xây dựng thành phố Sóc Trăng đạt một số tiêu chí chủ yếu của đô thị loại 1, nâng cao vai trò, vị thể cạnh tranh của thành phố với các đô thị trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.