Thành phố Sáng tạo Âm nhạc UNESCO với những giá trị Đà Lạt nguyên bản

Từ lâu, âm nhạc được xem như một phần làm nên bản sắc rất riêng của Đà Lạt bởi âm nhạc đã kết hợp một cách hài hòa vẻ đẹp thiên nhiên, khí hậu và cả lối sống thanh lịch của con người Đà Lạt.
Đà Lạt trong sương sớm. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Năm 2023 là cột mốc quan trọng đánh dấu thành phố Đà Lạt tròn 130 năm hình thành và phát triển (1893-2023).

Sự kiện thành phố Đà Lạt được công nhận và chính thức trở thành Thành phố Sáng tạo về Âm nhạc không chỉ là niềm vui, sự tự hào mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố.

Đà Lạt mộng mơ, thành phố ngàn hoa, thành phố sương mù... là những “thương hiệu” của thành phố bản sắc này.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt chính là đặc thù khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, di sản kiến trúc cùng sự hiền hòa, thân thiện của cư dân phố núi. Những giá trị ấy tạo nên sự thăng hoa về tinh thần để sáng tạo nghệ thuật.

Nghệ thuật ở Đà Lạt bao gồm nhiều loại hình đa dạng như nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca, hội họa, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ.

Nhiều nhà hát, hội quán âm nhạc, phòng trưng bày và những sân khấu nghệ thuật đã được xây dựng để thu hút du khách đến thưởng ngoạn và cảm nhận những nét đẹp của Đà Lạt.

Ngoài ra, Đà Lạt cũng được biết đến với các hoạt động nghệ thuật như Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Cồng chiêng, Lễ hội Văn hóa Trà...

Các sự kiện này đã giúp quảng bá cho các hoạt động nghệ thuật của thành phố được biết đến và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn nữa.

Từ lâu, âm nhạc được xem như một phần làm nên bản sắc rất riêng của thành phố Đà Lạt. Bởi, âm nhạc có khả năng kết hợp một cách hài hòa vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu và cả lối sống thanh lịch của con người Đà Lạt.

Rất nhiều nhạc sỹ và thi sỹ đã chọn Đà Lạt là chủ đề cho cảm hứng sáng tác của mình cho dù họ không xuất thân từ Đà Lạt. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Cho đến nay, đã có hơn 300 ca khúc hát về Đà Lạt, trong đó có những ca khúc đã đi sâu vào lòng người.

Rất nhiều nhạc sỹ và thi sỹ đã đến đắm mình trong cảnh sắc không gian của Đà Lạt, và chọn Đà Lạt là chủ đề cho cảm hứng sáng tác của mình cho dù họ không xuất thân từ Đà Lạt.

Một số ca khúc viết về Đà Lạt được nhiều người biết đến như: "Ai lên xứ hoa đào" (Hoàng Nguyên); "Đà Lạt hoàng hôn" (Minh Kỳ & Dạ Cầm); "Thành phố buồn" (Lam Phương); "Nồng nàn cao nguyên" (Krazan Dick); "Đà Lạt lập Đông" (Thế Hiển); "Thương về miền đất lạnh" (Minh Kỳ); "Mimosa" (Trần Kiết Tường); "Hoa Langbiang," "Say Trăng" (Đình Nghĩ); "Thành phố sương" (Việt Anh), "Tình yêu Đà Lạt" (Trịnh Nam Sơn), "Lặng Lẽ" (Dương Toàn Thiên)...

Bài hát “Lời thiên thu gọi” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng lấy cảm hứng từ phố cao nguyên Đà Lạt.

Đến nay đã có nhiều tác phẩm âm nhạc liên quan đến Đà Lạt được mọi người yêu mến và được trình diễn khắp nơi, cả trong và ngoài nước.

Đà Lạt có nhiều sự kiện âm nhạc được thường xuyên tổ chức, đặc biệt là trong các dịp lễ hội và các ngày lễ lớn.

Các sự kiện này bao gồm các buổi biểu diễn âm nhạc đa dạng, từ dân nhạc đến đương đại, đi cùng với những vũ điệu đầy màu sắc.

Cùng với những nhạc quán xưa và nay, hiện Đà Lạt có nhiều không gian âm nhạc, nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp, như Phố Bên Đồi, Mây Lang Thang, Lululola, Stop and Go Art Space, Hey Storm Art Space... đã góp phần tạo ra những góc phố nghệ thuật, với sự góp mặt của những nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Cùng với những đêm phố lạnh nghe dương cầm ngân vang, những “đêm nhạc trên mây.” sự hòa điệu của violin và piano, không gian nhạc cổ điển, những nhóm “du ca” phố núi và những chương trình thể thao kết hợp âm nhạc, tất cả đã tạo nên những món ăn tinh thần đặc biệt cho người dân địa phương và du khách.

Mới đây, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hoa Sen SoundFest 2023 lần đầu tiên đã được tổ chức tại Đà Lạt, với sự xuất hiện của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng quốc tế Bucharest Symphony Orchestra (Romania), cùng nhiều nghệ sỹ tên tuổi hàng đầu Việt Nam.

Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hoa Sen SoundFest 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Lạt. (Nguồn: Ban Tổ chức)

Tham gia vào Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, thành phố Đà Lạt sẽ có cơ hội tiếp nhận những kinh nghiệm hay từ các thành phố sáng tạo khác, mở ra cơ hội hợp tác tạo dựng không gian sáng tạo và đổi mới cho địa phương, đồng thời tăng thêm giá trị cho thành phố trong hoạt động giao lưu văn hóa-nghệ thuật, phát triển công nghiệp văn hóa, hợp tác đầu tư và du lịch.

Để xây dựng được đô thị sáng tạo về âm nhạc, thành phố Đà Lạt đang tiếp tục có chiến lược, kế hoạch cụ thể dựa trên đóng góp của chuyên gia trong và ngoài nước, cùng sự kết nối với các tổ chức văn hóa, huy động nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ tổ chức hoạt động âm nhạc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thưởng thức âm nhạc của công chúng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng phát huy những không gian văn hóa, không gian biểu diễn độc đáo dành cho các văn nghệ sỹ vừa thỏa sức sáng tạo, biểu diễn âm nhạc, vừa tuyên truyền về giữ gìn cảnh quan môi trường đúng bản chất của thành phố sở hữu nhiều di sản./.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, viết tắt là UCCN, được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững; tập trung vào nhiều lĩnh vực sáng tạo đa dạng.

Các thành phố thuộc UCCN cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và đảm bảo sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Mạng lưới hiện có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm Thiết kế, Văn học, Âm nhạc, Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật Truyền thông.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục