Thành phố Hồ Chí Minh và vai trò cầu nối với thị trường châu Âu

Ngày 20/3, tại Lễ giới thiệu sách Trắng 2019 do EuroCham tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về vai trò cầu nối thị trường châu Âu của Thành phố.
Đại diện các bên liên quan cung cấp thông tin về cơ chế chính sách. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Đại diện các bên liên quan cung cấp thông tin về cơ chế chính sách. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 20/3, tại Lễ giới thiệu sách Trắng 2019 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về vai trò cầu nối thị trường châu Âu của thành phố.

Đồng thời, với những cơ chế chính sách được cải cách trong thời gian qua đã giúp Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hất dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm đến của doanh nghiệp

Hiện nay, với sự tăng trưởng kinh tế, kết hợp với địa lý thuận lợi và dân số trong độ tuổi lao động lớn và có trình độ học vấn cao…, Việt Nam đang trở thành điểm đếm hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, hơn 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và số người sống ở thành thị dự kiến sẽ tăng lên 54 triệu vào năm 2035. Lợi tức nhân khẩu học này, sẽ thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam trong những thập niên tới.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham cho hay, năm nay, doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, kinh doanh và mở rộng giao thương tại Việt Nam; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến ưu tiên mà hầu đến các doanh nghiệp châu Âu mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và mở rộng thị trường.

Đặc biệt, với Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (còn gọi là Nghị quyết 54/2017/QH14), thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách lẫn tiềm lực phát triển. Điển hình, nếu thành phố khai thác tốt cơ hội cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, môi trường sẽ giải phóng các nguồn lực tăng trưởng và thu được kết quản tích cực.

Riêng EuroCham luôn nỗ lực thúc đẩy và tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước bên phát triển các mối quan hệ hợp tác bền vững trên nhiều lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, kỹ năng…

Bên cạnh đó, EuroCham sẽ tiếp tục làm việc với các ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh như hải quan, thuế… để mở rộng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài ra, EuroCham sẽ phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp châu Âu tham gia vào các chương trình phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như thành phố thông minh, dự án giao thông… theo nhiều hình thức đầu tư, kinh doanh, giao thương phù hợp. Từ đó, góp phần giúp Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng hết lợi thế, trở thành điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn không chỉ riêng đối với doanh nghiệp châu Âu, mà còn các nước khác.

[EuroCham đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam]

Ông Andreas Abbing, Giám đốc Tài chính Nhà máy Bosch Việt Nam, đánh giá cao sự hỗ trợ của Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong hoạt động cải cách cơ chế chính sách, nhất là trong thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực.

Vì nguồn nhân lực luôn được xem là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, nếu không có lực lương lao động chất lượng khó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Trước bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Bosch hiện là nhà đầu tư lâu năm tại Việt Nam và trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư; trong đó, các sản phẩm sản xuất của Bosch Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường khác, nhất là châu Âu sẽ hưởng được nhiều ưu đãi hơn hiện nay.

Thời gian qua, EU đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, EVFTA đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho hai bên nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh và thương mại của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp EU.

Chính vì vậy, ấn phẩm sách Trắng 2019 là nguồn tư liệu quan trọng để các doanh nghiệp cập nhật thông tin và nhận diện cơ hội để tăng cường hợp tác, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực tiềm năng.

Cải cách thể chế

Thông qua Chiến lược Phát triển Kinh tế xã hội cho giai đoạn 2011-2020 (SEDS), Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, để đạt được điều này, SEDS đã tập trung cải cách cơ cấu, bền vững môi trường, công bằng xã hội và các vấn đề nổi cộm về ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này, cũng đòi hỏi phải thay đổi hệ thống ngân hàng, thể chế thị trường và doanh nghiệp nhà nước.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành hải quan thường xuyên gặp gỡ và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính. Điều này có thể thấy rõ ở các phản hồi trong ấn phẩm sách Trắng năm 2019, về việc thúc đẩy sự minh bạch và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp được cải thiện ngày càng tốt hơn quan từng năm.

Tuy nhiên, làm sao đưa ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi thương mại, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý chuyên ngành; trong đó việc kiểm tra chất lượng đang được đề xuất thành lập thêm trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh, thay vì chỉ một trung tâm tại Hà Nội như hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh và vai trò cầu nối với thị trường châu Âu ảnh 1Chuyên gia và đại diện Ban ngành Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi thông tin. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Bên cạnh đó, ngành hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cam kết nỗ lực đưa ra những sáng kiến giải quyết nhanh thủ tục thông quan, giảm ùn tắc cho doanh nghiệp… trên cơ sở quy định của pháp luật.

Ở góc độ đơn vị xúc tiến đầu tư, thương mại, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, VCCI kỳ vọng ở lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa với 85% dòng hàng được dỡ bỏ khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Ngoài ra, EVFTA còn mở ra mức ưu đãi thuế cao hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đó.

Mặt khác, EVFTA sẽ thúc đẩy hai bên cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đây cũng là trọng tâm quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy.

Song song đó, các cam kết EVFTA về xuất xứ hàng hóa sẽ đặt ra những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng, quy trình sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đáp ứng các hàng rào kỹ thuật và chuẩn mực hàng hóa cao để tận dụng được cơ hội thâm nhập vào thị trường châu Âu, trên nền tảng thuận lợi do EVFTA mang lại cho doanh nghiệp.

Theo bà Mayte Pernas, Giám đốc Chương trình Mạng lưới Doanh nghiệp châu Âu-Việt Nam, để hỗ trợ các công ty nhỏ và vừa đầu tư, xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh, tăng cường cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, giao thương, kết nối… là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường thương mại tự do.

Theo đó, EVFTA sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động kết nối doanh nghiệp, định hình tương lai của thị trường… để doanh nghiệp có chiến lược phù hợp trong phát triển và tăng trưởng. Đồng thời, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tìm kiếm cơ hội tiến ra thị trường toàn cầu hơn.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, sau khi được thông qua EVFTA, giai đoạn thực thi sẽ diễn ra rất nhanh, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, để có thể thích ứng nhanh và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hiệp định này.

Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động nâng cao nhận thức về thị trường toàn cầu và vượt qua những thách thức, rào cản kỹ thuật trong chinh phục người tiêu dùng ở nhiều thị trường tiềm năng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục