Qua 5 ngày triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine vẫn khá thấp. Đáng lo hơn, hiện số lượng trẻ rà soát trên thực tế thấp hơn nhiều so với trẻ có tên trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia. Điều này gây nên lo ngại về tỷ lệ bao phủ vaccine thực trong cộng đồng vẫn còn nhiều khoảng trống.
Thông tin được đưa ra tại Cuộc họp về tình hình phòng, chống dịch sởi do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 5/9.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho thấy, tính đến ngày 4/9, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 541 ca sởi, trong đó có 3 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc sởi mới đang tăng nhanh theo từng ngày, đặc biệt tăng nhanh ở nhóm trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi (chiếm 48%) và 74% trẻ mắc bệnh chưa tiêm chủng vaccine đầy đủ.
Đến hiện tại, số ca mắc sởi xuất hiện ở 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức, riêng huyện Bình Chánh và quận Bình Tân đang có số ca mắc sởi cao nhất.
Sau khi Ủy ban Nhân dân Thành phố công bố dịch sởi trên địa bàn, bắt đầu từ ngày 31/8 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ và các đối tượng nguy cơ nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong.
Đến nay đã có 16.907 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vaccine sởi trong Chiến dịch, trong khi số lượng trẻ trong danh sách cần tiêm chủng mà các trạm y tế đã thống kê lên tới 200.000 trẻ.
Địa phương có số mũi tiêm cao nhất là huyện Bình Chánh đạt 59,3%, địa phương thấp nhất là huyện Cần Giờ mới chỉ đạt 9,3%. Trong số 22 quận, huyện, thành phố, có đến 18 đơn vị chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 50%.
Để đẩy nhanh Chiến dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương tích cực mời trẻ đã được lập danh sách đến các trạm y tế để tiêm chủng.
Bác sỹ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bắt đầu từ năm 2015, tất cả trẻ em sinh ra đều được cấp mã tiêm chủng trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia và hệ thống này liên thông toàn quốc. Theo lý thuyết, các trạm y tế phường, xã đều quản lý được trẻ có tên trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia đang cư trú trên địa bàn.
Do Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tình hình di biến động dân cư rất lớn nên hàng năm các trạm y tế phải điều tra thêm số lượng trẻ mới chuyển đến để biết số lượng thực tế trẻ đang cư trú trên địa bàn mình quản lý.
Theo nguyên tắc, số lượng trẻ điều tra thực tế phải xấp xỉ bằng hoặc nhiều hơn trẻ có tên trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia. Mặc dù vậy, thực tế công tác rà soát thời gian qua tại Thành phố cho thấy, số trẻ điều tra được lại thấp hơn trẻ có tên trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Theo bác sỹ Nga, nguyên nhân có thể là do công tác rà soát chưa sát với thực tế. “Một trong những chìa để kiểm soát dịch sởi là đạt được tỷ lệ bao phủ của vaccine trên 95%. Chính vì thế, công tác rà soát thông tin trẻ cư trú trên địa bàn và mời trẻ đi tiêm vaccine là vô cùng quan trọng,” bác sỹ Lê Hồng Nga khẳng định.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố cần khẩn trương rà soát toàn bộ trẻ đang cư trú thực tế trên địa bàn thì mới có thể thống kê được chính xác tỷ lệ bao phủ vaccine.
Theo ông Thượng, các địa phương cần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để có thể xác minh được tình trạng tiêm chủng của toàn bộ trẻ, tránh để sót, lọt trẻ chưa được tiêm chủng, nhất là những địa phương có nguy cơ bùng dịch cao.
Phát biểu kết luận, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả điều tra danh sách thực tế trẻ cư trú trên địa bàn vẫn còn thấp so với thông tin trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tập trung rà soát cập nhật danh sách trẻ nhỏ từ 1-10 tuổi để tiêm vaccine phòng sởi, đặc biệt là nhóm trẻ tại khu dân cư chưa đến tuổi đi học hoặc không được đến trường nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng.
Sở Thông tin và Truyền thông cần tăng cường các hình thức tuyên truyền phòng chống dịch sởi hiệu quả đến cộng đồng. Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức thường xuyên kiểm tra, giám sát các địa bàn có ca bệnh, đặc biệt là 4 quận, huyện có ca mắc cao.
“Sau 2 tuần công bố dịch sởi, kết quả công tác phòng, chống dịch vẫn chưa đạt được như mong muốn, đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức, các sở ngành và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Thành phố cần tập trung triển khai các giải pháp hiệu quả hơn, cố gắng để trong thời gian ngắn nhất Thành phố sẽ công bố hết dịch,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu./.
Gần 17.000 trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh được tiêm vaccine sởi trong kỳ nghỉ lễ
Trong 4 ngày nghỉ lễ, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho 16.907 trường hợp, trong đó có 115 trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao và 27 nhân viên y tế.