Thành phố Hồ Chí Minh: Tín dụng tăng mạnh, dòng vốn chảy về đâu?

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt gần 2,69 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020.
Thành phố Hồ Chí Minh: Tín dụng tăng mạnh, dòng vốn chảy về đâu? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, với tỷ lệ tăng trưởng cao gấp đôi so với cùng kỳ 2020.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt gần 2,69 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020.

Trong số đó, dư nợ tín dụng bằng tiền đồng Việt Nam ước đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 93% và tăng 5,7% so với cuối năm 2020; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước đạt 188.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% và tăng 9,8% so với cuối năm 2020.

[TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế: Làn gió mới từ doanh nghiệp]

Nếu phân theo kỳ hạn tín dụng, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 45,9% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 4,66% so với cuối năm 2020; còn dư nợ trung, dài hạn tăng tới 7,19%.

Đánh giá về tình hình tín dụng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm nay, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tín dụng trên địa bàn thành phố đã duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nếu như 4 tháng đầu năm 2021, tín dụng mới tăng 3,64% so với cuối năm 2020, thì 2 tháng sau đó, con số này ước tính đã tăng 6%, cao hơn so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. Ở cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ tăng 3,07%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trong nửa đầu năm nay, ngành ngân hàng thành phố tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, các ngân hàng đã triển khai hiệu quả Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp… nhằm đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Dòng vốn ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn theo đó đã chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tính đến cuối tháng Tư, dư nợ cho vay phát triển sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng khoảng 10%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 4%; vận tải kho bãi tăng gần 3%...

Các chương trình tín dụng đang triển khai trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận kết quả khả quan.

Chẳng hạn, đối với chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, đến cuối tháng 4/2021, dư nợ cho vay đạt 216.591 tỷ đồng với hơn 2,1 triệu khách hàng, tăng 8,6% so với cuối năm 2020.

Cho vay đối với các doanh nghiệp trong Khu chế xuất-Khu công nghiệp đạt 179.371 tỷ đồng, với 3.733 khách hàng vay vốn, tăng 6,8% so với cuối năm trước…

Riêng chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp cho doanh nghiệp theo Thông tư 01, đến cuối tháng 4/2021 đạt 1,05 triệu tỷ đồng, cho 401.336 khách hàng; trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 196.540 khách hàng với dư nợ đạt 227.675 tỷ đồng; Miễn giảm lãi cho 124.652 khách hàng với dư nợ đạt 7.657 tỷ đồng; Cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 cho 80.144 khách hàng với doanh số đạt 815.970 tỷ đồng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng thành phố đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm từ nay cho đến cuối năm 2021.

Đặc biệt, Thông tư 03 sẽ là cơ sở để các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ và miễn giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19.

Hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang duy trì mức lãi suất thấp, tuân thủ theo các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước quy định, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho khách hàng, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19; trong đó mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế là 4,5%/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục