Ngày 24/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia thực hiện bảy chương trình đột phá của thành phố.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận cho vay vốn của tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư dự kiến 26.000 tỷ đồng.
Cụ thể là các dự án xây dựng đường trục Bắc Nam (vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng), xây dựng đường Nguyễn Tất Thành (4.669 tỷ đồng), đường song hành phía Nam cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2, vốn đầu tư 869 tỷ đồng).
Xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao quận 2 (226 tỷ đồng), xây dựng Khu dịch vụ số 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (800 tỷ đồng), xây dựng Bệnh viện Tân Phú (973 tỷ đồng), đầu tư, nâng cấp và vận hành các trạm y tế phường tại quận 3 (100 tỷ đồng), xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 (99 tỷ đồng).
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Thành phố đã và đang huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư bảy chương trình đột phá, đến nay đã có 647 dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư với số vốn huy động là 41.000 tỷ đồng; chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp đã kết nối cho 36.000 doanh nghiệp với vốn vay 680.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xã hội hóa nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đến nay có 153 dự án PPP triển khai với tổng mức đầu tư 451.000 tỷ đồng, trong đó 23 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 71.000 tỷ đồng, 130 dự án đang thực hiện với tổng mức đầu tư 380.000 tỷ đồng.
Mặc dù số lượng các dự án thực hiện theo hình thức PPP của thành phố không lớn, chỉ chiếm 5 % số dự án đầu tư công nhưng nguồn vốn lại gấp 51 lần so với nguồn lực đầu tư công của thành phố giai đoạn 2011-2015.
Hiện nay nhu cầu đầu tư 7 chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 850.000 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước chiếm 60%. Tuy nhiên ngân sách thành phố chỉ mới đáp ứng được 20% tổng vốn đầu tư.
Đây là thách thức lớn đối với thành phố trong thời gian tới. Với việc tám dự án được ngân hàng cam kết vốn vay 26.000 tỷ đồng sẽ là điểm nhấn giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư hạ tầng trong điều kiện áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, đồng thời tạo sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tiềm năng quyết định lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.
Ông Phong cho biết hiện nay lợi thế lớn nhất của thành phố là dư địa tăng trưởng kinh tế còn rất cao, thành phố hoàn toàn có đủ cơ sở để nằm trong top 10 thành phố đẳng cấp thế giới nếu thành phố có cơ chế tài chính ngân sách đặc thù, biết khơi dậy nguồn vốn của các tổ chức tín dụng và nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân.
"Để kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ xã hội hóa, Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tháo bỏ điểm nghẽn về cải cách thủ tục hành chính đồng thời phân bổ nguồn lực minh bạch tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các cơ hội đầu tư trên địa bàn Thành phố,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
[TP.HCM ưu tiên kích cầu đầu tư 4 ngành công nghiệp trọng yếu]
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư của thành phố cần hơn 1.829.385 tỷ đồng; trong đó vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 1.120.598 tỷ đồng (61,2%). Tính đến hết ngày 31/7, thành phố có 7.065 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký (cấp mới và tổng vốn) là 42,07 tỷ USD.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hang Vietcombank, cho biết thời gian vừa qua hệ thống Vietcombank nói chung và 17 Chi nhánh Vietcombank trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ký tham gia 61 dự án thuộc bảy chương trình đột phá của thành phố với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục (23 dự án), cầu đường (16 dự án), phát triển đô thị (9 dự án), bệnh viện (7 dự án)...
Trong tình hình vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, hình thức hợp tác công tư PPP là một xu thế tất yếu.
Để có được nguồn vốn từ hình thức đầu tư này, đại diện Ngân hàng Vietcombank cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần quyết liệt trong việc bố trí nguồn lực tài chính tối thiểu để làm đối ứng cho các dự án PPP; hướng đến nguồn vốn tín dụng nước ngoài để bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho các dự án PPP trong giai đoạn tới.
Đồng thời, xây dựng hệ thống các ưu đãi đầu tư mạnh mẽ và hấp dẫn của mô hình PPP để thu hút các nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo PPP cũng như đẩy mạnh truyền thông để tạo sự đồng thuận cho xã hội./.