Ngày 4/11, Sở Du lịch và Sở Thông tin Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh công bố kế hoạch phối hợp với nhiều địa phương tổ chức Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc mở rộng; vùng Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Việc ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch của các vùng.
Chương trình cũng dự kiến tập trung triển khai những nội dung chính như công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Trong khuôn khổ Chương trình diễn ra từ 14-15/11, còn có các hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các vùng như 8 tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc mở rộng (Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái và Phú Thọ); với các tỉnh, thành phố vùng Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh); với thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế).
[Tây Bắc sẽ trở thành trung tâm du lịch cộng đồng quốc gia?]
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn triển khai hoạt động khảo sát điểm đến tại địa phương tổ chức Hội nghị liên kết; giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và sản vật đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong liên kết...
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc mở rộng; vùng Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với khoảng 21 địa phương là sự kiện được các địa phương quan tâm, cũng như sự đồng bộ của hệ thống chính trị.
Các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực...
Đặc biệt, nhiều địa phương sẽ được tạo điều kiện phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch để tăng tỷ lệ khách du lịch, chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.
Qua đó, các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng nói riêng và cả nước nói chung./.