Công ty cổ phần Ximăng Vincem Hà Tiên (Tổng Công ty Ximăng Việt Nam) vừa ban hành mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), thực hiện từ ngày 17/9.
Theo mức giá dịch vụ (thu phí) được ban hành, từ ngày 17/9 đến ngày 31/12/2024 (làm tròn số, bao gồm thuế giá trị gia tăng 8%), giá vé lượt từ 14.000 đồng đến 110.000 đồng, vé tháng từ 420.000 đồng đến 3,3 triệu đồng, vé quý từ 1,134 triệu đồng tới 8,91 triệu đồng.
Từ 1/1/2025 đến 16/9/2025 (áp dụng thuế giá trị gia tăng 10%), giá vé từ 15.000-120.000 đồng/lượt, với vé quý từ 450.000 đồng đến 3,6 triệu đồng và vé tháng từ 1,215-9,72 triệu đồng.
Sau 16/9/2025, mức giá sẽ tăng lên 17.000-133.000 đồng với vé lượt, 510.000-3,99 triệu đồng với vé tháng và 1,377-10,773 triệu đồng với vé quý.
Các trạm áp dụng hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ RFID và thu phí một dừng sử dụng ấn chỉ mã vạch.
Các phương tiện được miễn phí theo quy định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và xe dưới 12 ghế ngồi không sử dụng để kinh doanh của hộ dân thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng trong phạm vi tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu.
Cùng với dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác 4 dự án BOT khác gồm cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1); cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn An Sương-An Lạc); xây dựng cầu Phú Mỹ; mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn).
Đầu năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư 5 dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT trên địa bàn.
Theo kế hoạch, 5 dự án này dự kiến khởi công vào cuối năm 2025, đầu năm 2026.
Các dự án gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc-Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức-Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Năm 2012, Công ty cổ phần Ximăng Vicem Hà Tiên được chấp thuận và bắt đầu thi công dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu. Tuyến đường rộng 30m, dài 2,6 km với tổng mức đầu tư khoảng 461 tỷ đồng, theo phương thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao).
Tổng mức đầu tư của 5 dự án dự kiến khoảng 44.592 tỷ đồng. Nhu cầu vốn giai đoạn 2023-2025 khoảng 8.143 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị dự án, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng công trình...
Giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vốn gần 36.449 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố khoảng 16.702 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư theo hợp đồng BOT khoảng 19.747 tỷ đồng./.
TP Hồ Chí Minh: Đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT dự án tuyến nối Võ Văn Kiệt
Trước đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nhiều lần xin gia hạn thời gian thực hiện với lý do chủ yếu là hồ sơ tài liệu bị thất lạc, nhà thầu không đáp ứng đầy đủ thông tin đề lập hồ sơ quyết toán.