Thành phố Hồ Chí Minh: Thu ngân sách mới đạt trên 60% dự toán

Ngoài số thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm mạnh, một số khoản thu khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.
Thành phố Hồ Chí Minh: Thu ngân sách mới đạt trên 60% dự toán ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong năm 2020, Trung ương giao Thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách 405.828 tỷ đồng, tăng 1,68% so với dự toán năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kết quả thu ngân sách trên địa bàn trong 9 tháng đã sụt giảm mạnh, nhiều khả năng khó đạt dự toán được giao.

Thu từ doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm mạnh

Theo số liệu Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh mới công bố, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong 9 tháng năm 2020 ước thực hiện 245.362 tỷ đồng, đạt 60,5% dự toán, giảm 14,6% so cùng kỳ.

Cụ thể, thu nội địa 161.869 tỷ đồng, đạt 58,1% dự toán, giảm 11,2% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 8.493 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán, giảm 50,4% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 75.000 tỷ đồng, đạt 65,2% dự toán, giảm 14,8% so cùng kỳ.

Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 10,9% tổng thu nội địa, giảm 1,5% so cùng kỳ; trong đó, số thu từ doanh nghiệp Nhà nước khối Trung ương ước thực hiện 12.103 tỷ đồng, đạt 65,6% dự toán, giảm 1,3% so cùng kỳ.

Doanh nghiệp nhà nước địa phương ước thực hiện 5.595 tỷ đồng, đạt 55,6% dự toán, giảm 1,9% so cùng kỳ. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 41.831 tỷ đồng, đạt 55,1% dự toán, giảm 11,1% so cùng kỳ.

Đáng chú ý, khoản thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước ước thực hiện 40.312 tỷ đồng trong 9 tháng, mới đạt 52,5% dự toán, giảm tới 16,2% so cùng kỳ. Sự sụt giảm ở khối này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách chung trên địa bàn trong 9 tháng. Đây cũng là khu vực có tổng thu giảm sâu nhất trong 4 khu vực kinh tế so cùng kỳ, do các doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng và bất động sản bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nên có số nộp giảm so cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp có số nộp ngân sách giảm mạnh trong 8 tháng so với cùng kỳ như: Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu giảm 72,56%, tương ứng giảm 825 tỷ đồng; Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng giảm 66,31%, tương ứng giảm 631 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Tế Việt Nam giảm 40,91%, tương ứng giảm 322 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình giảm 49,18%, tương ứng giảm 214 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phát triển Thành phố Xanh giảm 96%, tương ứng giảm 3.842 tỷ đồng...

Ngoài số thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm mạnh, một số khoản thu khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.

Số liệu của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh trong 8 tháng năm 2020 cho thấy mặc dù số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng 6,13% so với cùng kỳ, nhưng đây lại là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2020.

Một số khoản ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ phản ánh tác động của dịch COVID-19 như: thuế thu nhập từ tiền lương tiền công chỉ tăng 6,85%, trong khi năm 2019 tăng tới 18,7%. Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân giảm 1,69% (năm 2019 tăng 6,6%). Thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản giảm 2,93% (năm 2019 tăng 25,27%)...

Số thu lệ phí trước bạ 8 tháng năm 2020 giảm 26,94% (tương ứng giảm 1.275 tỷ đồng). Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong giai đoạn 2017-2020. Các khoản lệ phí trước bạ giảm sâu gồm ôtô giảm 31,08%, xe máy giảm 28,78% và nhà đất giảm 7,24%.

Quyết liệt các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế

Theo phân tích của các chuyên gia, do hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ - vốn là những lĩnh vực chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nên kết quả thu ngân sách bị ảnh hưởng mạnh là điều khó tránh khỏi.

Thống kê của Cục Thuế thành phố cho thấy trong 7 tháng năm 2020, đã có 21.600 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm 129.300 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố là 12.600 tỷ đồng. Điều này cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 lên “sức khỏe” các doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn ngân sách trên địa bàn là rất lớn.

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục sụt giảm mạnh so với cùng kỳ kể từ tháng 4/2020 đến nay. Với diễn biến này, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong năm 2020 ước tính chỉ đạt khoảng 82,66% so với dự toán được giao và bằng 85% so với số thực hiện trong năm 2019.

[Ảnh hưởng của COVID-19, TP Hồ Chí Minh thu ngân sách giảm mạnh]

Để hoàn thành dự toán được giao, hiện ngành thuế thành phố đang tập trung thu hồi khoản nợ thuế 13.000 tỷ đồng từ cuối 2019 chuyển qua, đồng thời tập trung phối hợp các sở ngành tăng cường thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, mua bán qua mạng... hiện đang rất nhộn nhịp, để bù đắp phần ngân sách bị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Riêng các khoản thu từ đất đai, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố cho biết trong những tháng cuối năm, đơn vị này sẽ tập trung xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất… đối với 49 dự án trên địa bàn, với tổng thu dự kiến là 7.200 tỷ đồng.

Đồng thời, Sở phối hợp với Sở Xây dựng tập trung tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng như có thêm nguồn thu tăng ngân sách.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020, mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong những tháng cuối năm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 để hỗ trợ người nộp thuế.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu Cục Thuế và Cục Hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ tiền hoàn thuế, xử lý, hạn chế phát sinh nợ đọng và thực hiện các giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế.

Các đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra ngay đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, có rủi ro cao về thuế; kiểm tra, rà soát mã số hồ sơ, giá tính thuế, chính sách thuế, xuất xứ... để chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm xác định đúng, đủ số thuế phải nộp.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các đơn vị sớm thực hiện bán đấu giá nhà đất, tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố đối với nhà đất đã có quyết định bán tài sản trên đất và chuyến nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục