Thành phố Hồ Chí Minh thu hút hơn 490 triệu USD đầu tư vào khu công nghiệp

Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố ước tính hết năm 2024 tổng vốn đầu tư thu hút đạt 550 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm và dự kiến năm 2025, tổng vốn thu hút đầu tư đạt 550 triệu USD.

Công ty TNHH năng lượng Sojitz Osaka Gas tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Công ty TNHH năng lượng Sojitz Osaka Gas tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tính đến đầu tháng 12/2024, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 491,70 triệu USD, đạt 89,40% kế hoạch năm, giảm 51,43% so với cùng kỳ.

Diện tích đất cho thuê đạt 25,35ha; diện tích nhà xưởng cho thuê hơn 80.200m. Suất đầu tư trung bình tương đương 8,5 triệu USD/ha.

Hiện một số dự án có vốn đầu tư lớn trong khu chế xuất, khu công nghiệp đang triển khai, khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ sử dụng vốn đầu tư khoảng 23.700 tỷ đồng.

Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố dự ước hết năm 2024 tổng vốn đầu tư thu hút đạt 550 triệu USD (đạt 100% kế hoạch năm) và dự kiến năm 2025, tổng vốn thu hút đầu tư đạt 550 triệu USD.

Để tiếp tục khai thác có hiệu quả diện tích đất, nhà xưởng cho thuê, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp thành phố cũng đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh các giải pháp để hình thành thêm khoảng 800ha đất công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các khu công nghiệp chuyên đề, công nghiệp kỹ thuật cao. Trong số đó bao gồm Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 và Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II.

Riêng các vướng mặc, khó khăn liên quan đến các khu công nghiệp trên, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp thành phố cũng đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và đang phối hợp với các sở ngành để đề xuất các giải pháp xác định giá đất, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và xác định việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp thành phố cũng đã phối hợp với Sở Quy hoạch, Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và Ban Quản lý Dự án quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đưa quỹ đất công nghiệp bổ sung cho thành phố 10 khu công nghiệp mới với diện tích khoảng 2.465ha vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Đối với Đề án thí điểm chuyền đối Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu và Hiệp Phước, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố cho biết, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương giao cho các công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tâng là đơn vị trực tiếp chủ trì thực hiện các Đề án thí điểm này.

Theo Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp thành phố, từ nhu cầu thực tiễn các khu và theo Đề án "Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến 2045”, Ủy ban ban nhân dân thành phố cũng đã thành lập Tổ công tác và Tổ Biên tập xây dựng đề án, chính sách đặc thù để hỗ trợ chuyên đổi 5 Khu chế xuất, Khu công nghiệp được phê duyệt thí điểm chuyển đổi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục