Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 3,63 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng

Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới và số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới tại Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư được triển khai hiệu quả góp phần thúc đẩy đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh có những kết quả khả quan, số doanh nghiệp thành lập mới và số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cũng đã góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, tăng tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, tăng trưởng sức hút đầu tư và cải thiện rõ rệt niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố.

Về phát triển dự án FDI, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố thu hút được 3,63 tỷ USD (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019).

Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 678 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 688,79 triệu USD (tăng 18,3% số dự án cấp mới và tăng 26,9% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

Trong số các dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 168 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 345 triệu USD.

Bên cạnh đó, trong 7 tháng đầu năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chấp thuận cho 2.668 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 2,6 tỷ USD (so với cùng kỳ, tăng 28,3% về số trường hợp và tăng 16,7% về vốn đầu tư).

[Doanh nghiệp FDI xuất siêu 18,6 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm]

Đối với phát triển doanh nghiệp trong nước, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 556.489 tỷ đồng; trong đó, thành phố có 24.529 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 396.074 tỷ đồng (tăng 0,9% số lượng doanh nghiệp và tăng 25,7% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước).

Có 71.874 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 160.415 tỷ đồng (tăng 2,2% số lượt doanh nghiệp và bằng 63% vốn điều chỉnh bổ sung tăng so với cùng kỳ năm trước).

Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước và các dự án FDI, trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư; trong đó đơn giản hoá, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư cho doanh nghiệp, cùng với đó chuẩn bị quỹ đất sạch cho doanh nghiệp triển khai dự án;

Tổ công tác về đầu tư do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố làm tổ trưởng tiếp tục duy trì họp hàng tuần để giải quyết các vấn đề phát sinh trong triển khai dự án của doanh nghiệp.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư như hội thảo chuyên đề “Làm thế nào để nhà cung ứng có thể hợp tác thành công với doanh nghiệp FDI;” Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và ngành thuế, ngành lao động-thương binh và xã hội; hội nghị cơ sở hạ tầng Việt Nam; tọa đàm “Góc nhìn thực tiễn cho doanh nghiệp Việt Nam để đạt lợi thể từ EVFTA;” Hội nghị Xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục