Trong quý 1/2018, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (cấp mới, tăng vốn) và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được 1,28 tỷ USD (tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2017).
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 181 dự án, trong đó Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp Thành phố cấp 6 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 175 dự án với tổng vốn đầu tư đạt hơn 215,09 triệu USD (so với cùng kỳ, tăng 20,7% về số dự án và tăng 52,8% về vốn đầu tư).
[Thành phố Hồ Chí Minh thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng gấp 2 lần]
Về ngành nghề, lĩnh vực đăng ký đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất với 82,22 triệu USD (tăng gấp 23 lần so với cùng kỳ).
Tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác với 63,38 triệu USD (tăng 41,1% so với cùng kỳ). Hoạt động kinh doanh bất động sản với 48,32 triệu USD (tăng gấp 6,4 lần so với cùng kỳ).
Riêng với quốc gia đầu tư, Na Uy có vốn đầu tư cao nhất 70,08 triệu USD, chiếm 32,6%; tiếp theo là Hàn Quốc với 53,38 triệu USD, chiếm 24,8%; Singapore với 41,72 triệu USD chiếm 19,4%.
Song song đó, trong quý I thành phố cũng có 297 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 113,52 triệu USD. Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 531 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 951,24 triệu USD.
Đánh giá tổng quan về tình hình thu hút vốn FDI trên địa bàn thành phố trong quý I, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh về số lượng và vốn đầu tư ở các hình thức đầu tư.
Đặc biệt, hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ; tập trung vào những lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm như dịch vụ kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (46,6%), tiếp theo là dịch vụ khoa học công nghệ chiếm 19% và dịch vụ du lịch lữ hành chiếm 8,5%.
Theo ông Sử Ngọc Anh, do nhu cầu thuê nhà vẫn tiếp tục tăng cao, khả năng phát triển dịch vụ kinh doanh bất động sản vẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất. Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, du lịch, cải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng nên cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngành kế hoạch và đầu tư thành phố tiếp tục triển khai phục vụ đăng ký đầu tư trực tuyến - góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến giai đoạn 2 áp dụng cho thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Kết quả, đã được các nhà đầu tư và doanh nghiệp hưởng ứng và ủng hộ, trong quý I/2018 đã tiếp nhận 486 hồ sơ đăng ký trực tuyến thành công.
Đặc biệt, với lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp trong nước, trong quý I/2018, thành phố có 8.021 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới (tăng 2,6% so cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký là 100.399,54 tỷ đồng.
Mặt khác, thành phố có 29.218 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 92.627,86 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 2,8% về số lượt doanh nghiệp và tăng 76,6% về vốn bổ sung).
Như vậy, trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng vốn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và bổ sung là 192.967,4 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ./.