Ngày 8/5, ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động để thực hiện các đơn hàng, sau khi mở rộng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp ở lĩnh vực dệt may, da giày.
Theo ông Tuấn, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra mức lương khá hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lương tháng 13, thưởng Tết… nhưng gần như không tuyển dụng được lao động. Nhiều doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động gần 1 tháng qua nhưng đến thời điểm hiện tại, số lao động đến phỏng vấn hầu như không có, nên việc thiếu hụt lao động ngành dệt may, da giày ngày càng lớn.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đang trong “cơn khát” lao động, Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm giới thiệu việc làm tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố tăng cường thông tin rộng rãi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đến người lao động. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cũng tiến hành khảo sát, thu thập, phân tích dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, hướng nghiệp, tư vấn nhân lực phục vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động cho gần 5.000 người; hướng nghiệp và tư vấn nhân lực cho 271.600 học sinh và người lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức ngày hội tiếp sức người lao động; trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày hội việc làm và tuyển dụng hơn 20.000 lao động.
Do khan hiếm nguồn lao động, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần thời trang Phong Cách Trẻ (quận Bình Tân) cho biết, công ty chuyển sang hình thức tuyển dụng thường xuyên với mức lương thỏa thuận (vì đơn hàng nhiều). Để giữ chân người lao động, công ty luôn đảm bảo các quyền lợi, chế độ chính sách; công nhân được làm việc với máy móc mới, hiện đại, nhà xưởng sạch sẽ, thoáng mát, có hệ thống lọc bụi vải bảo vệ sức khỏe; môi trường làm việc thân thiện, hòa đồng, giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau…
Theo đại diện Công đoàn ngành dệt may Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 5/2019, rất nhiều doanh nghiệp dệt may, nhất là doanh nghiệp có dưới 30 lao động đã ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do thiếu hụt lao động. Các doanh nghiệp dệt may lớn đang dịch chuyển nhà máy sản xuất về vùng nông thôn, các tỉnh lân cận do có nguồn lao động dồi dào, công nhân ngành dệt may không đòi hỏi trình độ hay tay nghề cao…./.