Chính sách thu hút trí thức kiều bào về nước sẽ đạt được thành công hơn nếu kết hợp được cơ chế thông thoáng, quy định rõ ràng và nhất là người vận hành cơ chế có tâm huyết, có tài.
Không chỉ đơn thuần là chính sách đãi ngộ về thu nhập, việc tạo cơ chế thông thoáng, môi trường làm việc thuận lợi nhất để các nhà khoa học phát huy tối đa sự sáng tạo là chìa khóa quan trọng nhất để thu hút được trí thức kiều bào trở về đóng góp cho đất nước.
Tiềm năng lớn trong phát triển ngành kỹ thuật y sinh
Không chỉ đặt nền móng và đưa mô hình đào tạo ngành Kỹ thuật y sinh tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành mô hình kiểu mẫu trong cả nước, Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Tới (hiện là Trợ lý Ban Giám hiệu về phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ sức khỏe và sự sống, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) còn có đóng góp lớn trong việc giúp ngành Kỹ thuật y sinh Việt Nam được cộng đồng thế giới biết đến.
Sau hơn 40 năm sinh sống và làm việc ở Thụy Sĩ và Mỹ, năm 2009, Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Tới quyết định trở về Việt Nam công tác với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho quê hương.
Chia sẻ về lý do thôi thúc ông trở về nước, Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Tới cho biết, khi là giảng viên Bộ môn Kỹ thuật y sinh tại Trường Đại học Tufts (Hoa Kỳ), theo chương trình hợp tác chung, ông đã đưa một nhóm giảng viên Kỹ thuật y sinh của nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ đến khảo sát tình hình và khả năng phát triển Kỹ thuật y sinh ở Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2003, với vai trò Giám đốc Điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF), Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Tới có dịp trở về Việt Nam, làm việc với các lãnh đạo trong ngành Giáo dục và khuyến khích sinh viên VEF tốt nghiệp trở về phục vụ đất nước.
Nhận thấy bản thân sẽ góp phần tốt hơn nếu làm trực tiếp tại Việt Nam thay vì chỉ tư vấn từ xa, năm 2009, ông đã từ bỏ tất cả công việc tại Mỹ, trở về Việt Nam thành lập bộ môn Kỹ thuật y sinh ở Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi đó, tại Việt Nam, Kỹ thuật y sinh chưa được nhiều người biết đến. Vì thế, việc phát triển bộ môn này khi ấy gặp không ít khó khăn. Bằng năng lực lãnh đạo, sự nỗ lực của cá nhân ông và tập thể giảng viên, đặc biệt là sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường, hiện tại Bộ môn Kỹ thuật Y sinh đã phát triển trở thành một Khoa. Giảng viên cơ hữu của Khoa đều tốt nghiệp Tiến sỹ nước ngoài.
Với đội ngũ lãnh đạo và giảng viên trẻ, đầy tài năng, Khoa đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực Kỹ thuật y sinh, đóng góp cho phát triển ngành trong nước.
Chương trình đào tạo bậc kỹ sư Kỹ thuật y sinh được các cơ quan kiểm định giáo dục quốc tế như AUN-QA và ABET đánh giá cao. Số lượng và chất lượng sinh viên đầu vào cũng như đầu ra của Khoa những năm qua đều tăng. Một số sinh viên chưa tốt nghiệp kỹ sư đã được các công ty tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp được học bổng du học nước ngoài; nhiều sinh viên ra trường sau vài năm giữ những vị trí quan trọng trong các hãng thiết bị y tế toàn cầu, các công ty phân phối, sản xuất thiết bị y tế và bệnh viện.
Sự phát triển Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam cũng được cộng đồng học giả thế giới biết đến thông qua Hội nghị quốc tế về kỹ thuật y sinh do Khoa tổ chức 2 năm/lần, kết nối diễn giả các nước trên thế giới đến chia sẻ về chuyên môn.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Tới, trên thế giới, Kỹ thuật Y sinh là một ngành đang phát triển mạnh vì nó dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật để hỗ trợ xu hướng mới của ngành Y khoa và góp phần quan trọng vào kinh tế của đất nước.
Các nước tiên tiến đang hướng về các nước đang phát triển để mở rộng thị trường thiết bị y tế. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng và nguồn lực trí thức có thể tiếp thu và phát huy được những kiến thức, kỹ thuật tiên tiến để tạo thành dấu ấn trong lĩnh vực này.Để đạt được mục tiêu phát triển ngành Kỹ thuật y sinh, Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Tới cho rằng, ngoài hai yếu tố cơ bản là đào tạo và nghiên cứu, việc kết nối đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường và đưa nhu cầu trong xã hội vào đại học để tìm giải pháp giải quyết là rất quan trọng.
Ba yếu tố trên tạo thành một hệ sinh thái khuyến khích giảng viên, sinh viên biến ý tưởng thành sản phẩm công nghiệp và doanh nghiệp có chỗ dựa vững chắc trong việc nghiên cứu và phát triển.
Những công ty khởi nghiệp (Start-up) hay những công ty con (Spin-off) được thành lập từ môi trường hàn lâm cũng là đòn bẩy thắt chặt mối liên hệ giữa đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng như giữa giảng viên và doanh nhân trong việc chuyển giao công nghệ.
Cần cơ chế mở
Từ câu chuyện xây dựng và phát triển ngành Kỹ thuật y sinh và những trải nghiệm thực tế, Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Tới cho rằng để có được thành công trong thu hút, phát huy đội ngũ trí thức kiều bào, điều quan trọng là phải có cơ chế thông thoáng, quy định rõ ràng và nhất là con người vận hành, thực thi cơ chế chính sách đó phải có tâm huyết, có tài.
Khi có người đạt được thành công từ cơ chế thông thoáng đó, sẽ là những thỏi nam châm hút được nhiều người khác trở về. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Tới, chúng ta đã và đang đưa người ra nước ngoài để đào tạo; đây là một chính sách tốt. Tuy nhiên, thành công thật sự là việc chúng ta phải thu hút và sử dụng được chất xám từ nước ngoài trở về.
Việc thu hút không chỉ nằm trong sự kêu gọi, hứa hẹn hay bắt buộc, hoặc trông chờ vào tinh thần yêu nước hay tự giác mà đòi hỏi những hành động cụ thể. Hai yếu tố quan trọng để thu hút chất xám là tạo môi trường làm việc cũng như môi trường sống hấp dẫn và có được những “người đi thu hút chất xám” tài năng.
TP.HCM gặp mặt, tri ân trí thức kiều bào từng làm công tác giảng dạy
Theo Chủ nhiệm UB về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, những tâm huyết của doanh nhân, trí thức, cộng đồng Người Việt ở nước ngoài đã góp phần tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển Thành phố.
Thực tế từ Đại học Quốc gia là một sáng kiến độc đáo và thành công trong việc trao quyền tự do học thuật. Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Tới cho rằng, cần đẩy mạnh quyền này hơn nữa bằng cách thí điểm thành lập những “ốc đảo thử nghiệm” trong đại học. Cơ chế này có thể cho phép các giảng viên, nhà khoa học được làm những gì không xâm phạm đến an ninh quốc gia, pháp luật không cấm thay vì chỉ làm những gì nghị định, quy định cho phép.
Mặt khác, những quy định hiện nay có nhiều chồng chéo, khó khăn cho các nhà khoa học phát huy ý tưởng sáng tạo. Cơ chế linh hoạt, cởi mở sẽ là chìa khóa của sự đổi mới và thành công./.