Thành phố Hồ Chí Minh tăng vốn hỗ trợ bình ổn thị trường

Chương trình bình ổn thị trường năm 2015-2016 có tổng hạn mức tín dụng từ các ngân hàng đăng ký đạt 11.850 tỷ đồng, tăng 3.550 tỷ đồng so với năm trước.
Sản xuất lạp xưởng trong chương trình bình ổn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vissan, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: An Hiếu/TTXVN)

Ngày 31/3, tại Hội nghị Sơ kết Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015, triển khai kế hoạch 2015-2016, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm 2015-2016, Thành phố tiếp tục không sử dụng vốn ngân sách nhưng vẫn đảm bảo tăng vốn và đa dạng hình thức hỗ trợ thông qua kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với ngân hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường với hạn mức và lãi suất ưu đãi.

Chương trình bình ổn thị trường năm 2015-2016 có tổng hạn mức tín dụng từ các ngân hàng đăng ký đạt 11.850 tỷ đồng, tăng 3.550 tỷ đồng so với năm trước, trong đó lãi suất giảm từ 0,5-2% và bổ sung thêm gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong khuôn khổ Chương trình sẽ có bốn gói tín dụng gồm 6.100 tỷ đồng cho doanh nghiệp trong Chương trình vay vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng (lãi suất từ 5-6%/năm); 2.750 tỷ đồng cho doanh nghiệp ngoài Chương trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất hàng bình ổn thị trường vay ngắn hạn 12 tháng (lãi suất 6,5-8,5%/năm); 2.100 tỷ đồng cho doanh nghiệp trong Chương trình vay trung và dài hạn để đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối (lãi suất 7-10%/năm); bổ sung gói tín dụng 900 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, (lãi suất 2-4%/năm).

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số doanh nghiệp tham gia bốn Chương trình bình ổn thị trường năm nay là 85 doanh nghiệp, tăng chín doanh nghiệp so với năm 2014. Trong đó, chương trình lương thực-thực phẩm thu hút sự tham gia của 40 doanh nghiệp, chương trình mùa khai trường 16 doanh nghiệp, chương trình sữa bốn doanh nghiệp và chương trình dược phẩm 14 doanh nghiệp và 11 ngân hàng.

Mặt khác, lượng hàng phân bổ cho doanh nghiệp thực hiện bình ổn thị trường năm 2015-2016 đối với mặt hàng lương thực-thực phẩm chiếm khoảng 25-30% nhu cầu thị trường các tháng thường, chiếm 30-40% nhu cầu thị trường tháng Tết; mặt hàng mùa khai trường là 35-40%; sữa là hơn 3.978 tấn/năm (khoảng 331 tấn/tháng); dược phẩm đảm bảo chiếm 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu mà người dân thành phố sử dụng trong năm.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chương trình bình ổn thị trường năm nay còn có nhiều hoạt động thiết thực khác như triển khai thí điểm ứng dụng thương mại điện tử trong phân phối hàng bình ổn thị trường; hỗ trợ các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ thực hiện Chương trình bình ổn thị trường; mở lớp đào tạo nghiệp vụ tiểu thương, ban quản lý trong chợ truyền thống; đẩy mạnh ứng dụng logo Chương trình bình ổn thị trường trên sản phẩm và phát huy hiệu quả nhận biết trong người tiêu dùng…

Để tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả tích cực của Chương trình bình ổn thị trường trong năm 2015-2016, gắn liền với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp mở rộng quy mô và phát triển bốn Chương trình này theo chiều sâu với hàng hóa tăng cả về chất lượng lẫn số lượng, với sự tham gia góp sức ngày càng nhiều hơn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và hệ thống ngân hàng. Đặc biệt Thành phố đẩy mạnh nhiều hoạt động phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn dân cư gắn liền với quảng bá logo bình ổn, nhằm tăng nhận biết cho người dân và từng bước xây dựng thương hiệu, kiểm tra và giám sát các đơn vị tham gia Chương trình.

Tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá cao những kết quả mà Chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong năm qua, đã góp phần thiết thực trong chăm lo đời sống người dân, an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Thông qua Chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều bài học kinh nghiệm, mô hình liên kết hiệu quả lan tỏa mạnh mẽ và ứng dụng ở nhiều tỉnh, thành phố khác của cả nước. Đặc biệt, Chương trình đã tạo nền tảng cho doanh nghiệp nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nội địa, xây dựng thương hiệu cho hàng Việt và tầm quan trọng của thị trường cũng như người tiêu dùng trong nước.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, trên cơ sở những kết quả được, Chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay cần tiếp tục nỗ lực năng động, sáng tạo hơn nữa, để từng bước xây dựng, hình thành chuỗi cung ứng, liên kết các “nhà” nhằm hướng đến cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng nguồn cung hàng hóa. Từ đó, Chương trình bình ổn thị trường sẽ tạo sự bền vững cho các nhà bán lẻ, nhà phân phối nội địa mở rộng mạng lưới bán buôn, đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng và phủ sóng khắp các địa bàn dân cư, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục