Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh đầu cấp

Năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện tuyển sinh đầu cấp, mở rộng tuyển sinh dựa trên bản đồ GIS.

Thí sinh trước giờ làm bài thi môn Ngữ văn tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)
Thí sinh trước giờ làm bài thi môn Ngữ văn tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhằm tạo thuận lợi nhất cho các địa phương cũng như phụ huynh và học sinh trong thực hiện quy trình, hồ sơ tuyển sinh, năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có một số điều chỉnh về quy trình kỹ thuật trong công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện tuyển sinh đầu cấp, mở rộng tuyển sinh dựa trên bản đồ GIS.

Điều chỉnh quy trình tuyển sinh lớp 10

Thông tin về công tác tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các môn thi, công tác tổ chức thi vẫn được giữ ổn định như những năm trước. Rút kinh nghiệm từ năm học 2023-2024, Sở sẽ xây dựng phương án thay đổi toàn bộ quy trình xét các nguyện vọng (chuyên và thường) vào lớp 10 công lập thời gian tới, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu về chỗ học công lập cho học sinh.

Theo ông Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, phương án điều chỉnh đang được xây dựng hướng đến các mục tiêu: rút ngắn thời gian công bố kết quả; hỗ trợ học sinh tăng tỷ lệ khả năng trúng tuyển vào các trường công lập theo nguyện vọng đăng ký; từng bước giảm dần số lượng học sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ qua từng năm.

Cùng với thay đổi quy trình xét các nguyện vọng, Sở đề ra các giải pháp và mục tiêu đảm bảo quyền lợi tối đa tại các trường công lập cho học sinh trên địa bàn; từng bước giảm dần tỷ lệ học sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ nhập học tại các trường công lập.

Một điểm mới đáng lưu ý với học sinh lớp 9 năm nay là hai trường chuyên của thành phố gồm: Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa và Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong sẽ dừng tuyển sinh lớp 10 không chuyên từ năm học 2024-2025 theo quy định chung.

Cụ thể, theo quy định trong Thông tư 05/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Trung học Phổ thông Chuyên, việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường Trung học Phổ thông Chuyên được thực hiện đến hết năm học 2023-2024. Các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức trong trường Trung học Phổ thông Chuyên vẫn tiếp tục thực hiện cho đến khi học hết lớp 12.

Theo lãnh đạo các trường Trung học Phổ thông Chuyên, cùng với việc dừng tuyển sinh lớp 10 không chuyên từ năm tới, trường sẽ xây dựng lại kế hoạch giáo dục, tập trung nguồn lực đầu tư cho các lớp chuyên để phù hợp với định hướng giáo dục của trường chuyên.

Về đề thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cấu trúc đề cũng tương tự những năm trước; nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học cơ sở và chủ yếu ở lớp 9. Đề thi vẫn tiếp tục theo định hướng tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế.

Sở đưa ra một số định hướng lưu ý học sinh lớp 9 tập trung rèn luyện. Cụ thể, với môn Ngữ văn, đề thi gồm ba phần Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và và Nghị luận Văn học. Để rèn luyện năng lực đọc hiểu, học sinh lựa chọn văn bản có nội dung phù hợp để luyện tập các kỹ năng phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; tìm các vấn đề tiếng Việt trong văn bản; tập tóm tắt văn bản; nối kết văn bản liên quan cũng như nối kết với thực tế cuộc sống để đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra trong văn bản; sáng tạo cách thể hiện khác, đề xuất giải pháp, đặt nhan đề mới…

Ở phần Nghị luận xã hội, học sinh cần rèn luyện các thao tác lập luận, đặc biệt là lập luận giải thích, chứng minh, bình luận. Để làm tốt phần Nghị luận văn học, học sinh cần rèn luyện kỹ năng viết, phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học; đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa; dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể.

Đề thi môn tiếng Anh sẽ hướng đến kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ trong thực tế đời sống, học sinh cần chú ý nhiều hơn đến phần từ vựng và kỹ năng. Riêng môn Toán, 5 trong số 8 bài của đề thi là bài toán vận dụng thực tế; trong đó, 70% nội dung ở mức độ nhận biết, thông hiểu; mức độ vận dụng và vận dụng cao chiếm 30%.

Mở rộng ứng dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh

Năm học 2023-2024, cùng với thực hiện tuyển sinh đầu cấp hoàn toàn theo hình thức trực tuyến, Thành phố Hồ Chí Minh cũng thí điểm áp dụng tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS tại 3 địa phương gồm thành phố Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình.

Dựa trên dữ liệu bản đồ GIS kết hợp với thông tin nơi ở trong dữ liệu dân cư, các địa phương này sẽ thực hiện phân bổ học sinh vào trường gần nhà chứ không theo địa giới hành chính như trước đây.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương, khó khăn nhất trong triển khai tuyển sinh theo bản đồ GIS là đảm bảo việc phân bổ học sinh vào trường học phù hợp, trong bối cảnh phân bố cũng như chất lượng trường lớp hiện nay chưa đồng đều.

Từ thực tiễn triển khai, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, nhận định tuyển sinh theo bản đồ GIS phù hợp với những địa phương có đủ số lượng trường lớp với quy hoạch phân bố hợp lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có những phường có đủ số trường nhưng việc phân bố các trường không đều, việc phân bổ học sinh theo bản đồ GIS không dễ và không phải nơi nào cũng thực hiện được. Dù vậy, bản đồ GIS vẫn là một công cụ hỗ trợ tốt cho công tác tuyển sinh đầu cấp cũng như cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho phụ huynh trong quá trình tuyển sinh.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8, cho biết cùng với nhiều mặt thuận lợi, việc triển khai tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến, thí điểm tuyển sinh theo bản đồ GIS tại quận vừa qua cũng gặp không ít khó khăn.

Một số ít học sinh chưa có mã định danh; thông tin địa chỉ học sinh bị sai hoặc một số địa chỉ không nhận diện được trên bản đồ GIS; một số phụ huynh gặp khó khăn trong thao tác đăng ký tuyển sinh trực tuyến cần được hỗ trợ…

Mặt khác, sau khi có kết quả phân bổ học sinh theo bản đồ GIS, một số phụ huynh lại có nguyện vọng chuyển trường. Trong quá trình đăng ký tuyển sinh trên hệ thống, có trường hợp phụ huynh còn cố tình ghi địa chỉ gần trường trọng điểm của quận để con được phân bổ vào học. Trong năm học tới, để thuận lợi trong công tác tuyển sinh, giảm áp lực với các trường trọng điểm, Phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an phường trong việc xác định tình trạng cư trú của người dân.

Qua triển khai thí điểm tại 3 địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS đã giúp phòng Giáo dục các địa phương có thể phân bổ học sinh vào các trường một cách linh hoạt, không còn cứng nhắc như trước đây khi phân bổ theo hộ khẩu.

ttxvn-tuyen-sinh-lop-10-2-9590.jpg
Tư vấn đăng ký nguyện vọng tuyển sinh 10 là một nội dung quan trọng trong các buổi sinh hoạt lớp 9 Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Nin, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Công tác tuyển sinh được công khai, có cơ sở minh chứng đầy đủ và được lưu trữ trên hệ thống, giúp tăng sự hài lòng, đồng thuận của cha mẹ học sinh trong công tác tuyển sinh. Đặc biệt, với việc áp dụng bản đồ GIS kết hợp với dữ liệu đăng ký của học sinh từ các đơn vị, Sở đã có một cái nhìn tổng quan trong việc phân bổ các trường học trên địa bàn, từ đó đưa ra được các đánh giá phục vụ cho việc phát triển hệ thống trường lớp trong tương lai phù hợp với phát triển dân số của từng khu vực.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn một số hạn chế khi triển khai bản đồ GIS trong công tác tuyển sinh, nhất là trong bối cảnh mạng lưới trường lớp chưa thật sự phù hợp với việc phát triển dân cư của từng khu vực. Do đó, nếu chỉ áp dụng bản đồ GIS trong công tác tuyển sinh đầu cấp mà bỏ qua các công cụ khác như công tác phổ cập, rà soát địa bàn, sẽ dẫn đến tình trạng thừa, thiếu học sinh cục bộ ở một số trường.

Dù không thể thay thế toàn bộ nhưng bản đồ GIS là một công cụ cần thiết, nếu được phát triển và đầu tư tốt sẽ trở thành một công cụ quan trọng phục vụ cho công tác tuyển sinh của thành phố, có khả năng triển khai rộng trong các năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục