Thành phố Hồ Chí Minh: Tái tạo lưỡi cho nhiều bệnh nhân ung thư

Từ năm 2018 đến nay, khoảng 300 bệnh nhân được thực hiện tái tạo lưỡi sau phẫu thuật điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ thành công lên đến 98%.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Khôi, Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ-Hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh khám cho bệnh nhân ung thư sau khi tái tạo lưỡi. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tái tạo lưỡi cho hàng trăm bệnh nhân ung thư lưỡi.

Các bệnh nhân sau khi được tái tạo lưỡi đều đảm bảo chức năng hô hấp, nuốt và giao tiếp.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ-Hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết khoảng 70% người bệnh ung thư lưỡi khi phát hiện bệnh là ở giai đoạn 3 hoặc 4, vùng khoang miệng, lưỡi đã lở loét nặng nề.

Người bệnh phải chịu đựng đau đớn khi ăn, nuốt, miệng bốc mùi... Phương pháp điều trị chính thường là phẫu thuật cắt bỏ gần như toàn bộ hoặc toàn bộ lưỡi nếu ở giai đoạn trễ.

[Nội soi cấp cứu lấy dị vật trong phế quản bệnh nhân ung thư]

Tuy nhiên, sau phẫu thuật, người bệnh sẽ bị khuyết hổng lưỡi, sàn miệng, đáy lưỡi, amiđan, vòm khẩu cái... ảnh hưởng nặng đến chức năng nói và nuốt.

Trước thực tế này, từ 10 năm trước, các bác sỹ Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia khóa đào tạo phẫu thuật tái tạo lưỡi ở Hoa Kỳ.

Ban đầu, bác sỹ chỉ thực hiện tái tạo cho những ca phải cắt bỏ một phần lưỡi, sau đó tiến dần đến các ca phức tạp hơn.

Từ năm 2018 đến nay, khoảng 300 bệnh nhân được thực hiện tái tạo lưỡi sau phẫu thuật điều trị ung thư tại đây, tỷ lệ thành công lên đến 98%. Hầu hết các trường hợp cắt toàn bộ lưỡi, đáy lưỡi đều được tái tạo trở lại, đảm bảo phục hồi chức năng nói và nuốt.

Mới đây, một phụ nữ (54 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) nhập viện khi mắc ung thư lưỡi giai đoạn cuối. Nữ bệnh nhân có khối bướu và hạch hai bên rất lớn.

Sau 3 đợt hóa trị để bướu nhỏ lại, bệnh nhân được tiến hành cắt bướu, nạo hạch. Tiếp đó, các bác sỹ đã tạo hình lưỡi từ phần cơ và da ở ngực.

Theo tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Khôi, tạo hình khuyết hổng lưỡi sau phẫu thuật không chỉ đảm bảo chức năng nói và nuốt mà còn đảm bảo đường thở, vị giác, hô hấp. Hiện các bác sỹ Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh tạo hình khuyết hổng lưỡi bằng các loại vạt như: vạt da cơ ngực lớn, vạt động mạch trên đòn, vạt cẳng tay quay, vạt đùi trước ngoài...

“Lưỡi là một cơ quan không thể tạo hình đơn giản như việc 'lấp đầy hố' mà phải phục hồi được chức năng và thẩm mỹ sau điều trị. Để đạt được mục tiêu này, phải có sự kết hợp giữa phẫu thuật viên, bác sỹ nha khoa, bác sỹ phục hình răng miệng, bác sỹ phát âm học, bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng và nhiều chuyên khoa khác có liên quan," bác sỹ Khôi cho biết thêm.

Ung thư lưỡi là bệnh thường gặp ở bệnh nhân trên 40 tuổi, nguyên nhân chủ yếu do hút thuốc lá và uống rượu. Thống kê, mỗi năm Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 150-200 ca ung thư lưỡi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục