Liên quan đến thông tin hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư chưa sử dụng, gây lãng phí trong khi rất nhiều người không có nhà ở, chiều 16/3, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã phải mua, bỏ vốn ngân sách để xây dựng quỹ nhà, đất tái định cư thực hiện các dự án đô thị trên địa bàn có giải tỏa, giải phóng mặt bằng với hớn 40.000 căn hộ và nền đất. Trong đó đã bố trí sử dụng hơn 26.000 căn, nền đất và còn gần 14.000 căn, nền đất chưa sử dụng.
Ông Trần Trọng Tuấn cho biết, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ giữ lại hơn 8.500 căn, nền đất để bố trí tái định cư cho các dự án, số còn lại sẽ tổ chức đấu giá.
Ở giai đoạn trước, người dân diện bị di dời nhận căn hộ, có nhiều người bán lại, lợi hơn hình thức nhận tái định cư bằng căn hộ. Tuy nhiên gần đây, người dân tập trung nhận tiền để tự tái định cư.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến còn tồn tại nhiều nền, đất tái định cư chưa được sử dụng. Vấn đề là phải phân bổ đúng đối tượng, quản lý tốt chất lượng căn hộ và nền tái định cư.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, trong quá trình tái định cư, thành phố cũng đã rút ra được nhiều bài học, trong đó không thể cơ học bố trí người dân từ địa bàn này đến địa bàn xa, không thuận tiện cho sinh hoạt và công việc. Thay vào đó, cần phải tái định cư tại chỗ, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân. Mặt khác sẽ phải điều tra xã hội học, dự báo nhu cầu hình thức tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội cho thuê.../.