“Hiện nay thành phố có những khu đất đẹp, đắc địa đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nếu không quản lý tốt thì dễ dẫn tới tiêu cực nên thành phố thống nhất chủ trương phải đấu giá các khu đất 'vàng.' Ngoài ra, việc thanh toán quỹ đất cho dự án BT (xây dựng-chuyển giao) cũng phải được tính toán cẩn thận, cân đối kỹ lưỡng. Sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ xây dựng và công khai danh mục quỹ đất để thanh toán cho các hợp đồng BT.”
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại hội nghị trao đổi về quy trình thực hiện các dự án BT và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng do Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức ngày 7/11.
Báo cáo tại hội nghị, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, mặc dù đã có Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định 15), quy định nhiều hình thức hợp đồng (BTL, BLT, BOO...) nhưng nhà đầu tư, các sở ngành quản lý có xu hướng kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, trả bằng đất trong khi quỹ đất phục vụ mục đích xã hội hoá không còn nhiều.
Công tác đền bù, giải tỏa gặp nhiều khó khăn, kéo dài, dẫn đến việc bàn giao mặt bằng chậm trễ, các thủ tục đầu tư còn qua nhiều bước... Việc huy động nguồn lực từ đất cũng còn nhiều hạn chế, kể cả quỹ đất sạch để đấu giá, thu tiền sử dụng đất cho ngân sách.
Ông Hoàng Mạnh Phương, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, là cơ quan soạn thảo xây dựng Nghị định 15 (sửa đổi) nhưng trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều lúng túng; trong đó, có quy định vừa lựa chọn nhà đầu tư vừa lựa chọn quỹ đất để thanh toán hợp đồng.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định 15 (sửa đổi) quy định phải làm rõ dự toán, thiết kế dự án trước khi chọn nhà đầu tư, đồng thời, đưa các đơn vị tư vấn độc lập vào quá trình thực hiện dự án BT.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu phương án tham mưu Chính phủ xây dựng luật về đầu tư BT từ việc nâng tầm Nghị định 15.
[Lộ mặt các dự án BT: Nhà nước thiệt đơn thiệt kép vì mất đất vàng]
Chia sẻ thêm góc độ quản lý nhà nước về các dự án BT, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho hay, hiện nay một dự án BT liên quan đến 6 luật gồm Luật Đầu tư, Đất đai, Tài sản công, Ngân sách Nhà nước, Đấu thầu và Luật Đầu tư công, dẫn đến việc thực hiện dự án bị chậm trễ, phát sinh nhiều vướng mắc. Trong khi quỹ đất hạn chế thì chi phí giải phóng mặt bằng lại rất cao, tính hiệu quả trong đầu tư chưa cao.
Dưới góc độ chuyên gia, tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình MPP, Đại học Fulbright cho rằng, hầu hết việc thực hiện dự án BT đều có phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” và chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu, trong khi chủ đầu tư lại dựa quá nhiều vốn vay ngân hàng.
Vì thế, cần hạn chế tối đa hình thức BT với phương án đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó cần lấy tiền mặt đổi hạ tầng thông qua việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, phát hành trái phiếu công trình.
Việc thực hiện BT chỉ nên áp dụng khi có quỹ đất sạch và quỹ đất này phải được bán đấu giá độc lập, tiền thu được sẽ thanh toán cho tiến độ đầu tư dự án.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất "vàng", hoặc theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm do nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đi vay.
Vì thế, HoREA kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc quốc tế đối với các dự án đầu tư theo hợp đồng BT, PPP, BOT.
Là ngành có nhiều dự án được đầu tư theo hình thức BT nhất, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nếu căn cứ vào các quy định thì sẽ rất khó thực hiện các dự án đầu tư theo đối tác công tư. Trên thực tế, thành phố đều phải có những vận dụng riêng.
Hiện nay để triển khai một dự án BT thì tồn tại quá nhiều văn bản, thủ tục. Nhưng khó nhất vẫn là việc lựa chọn phương án tài chính để hoàn vốn cho dự án khi mà quỹ đất không “sạch.” Do đó, theo ông Bùi Xuân Cường không nên tách rời các thành phần trong dự án BT cũng như không cần thiết phải kiếm quỹ đất khác để đấu giá bởi lẽ nếu thực hiện bằng cách này thì ngân sách thành phố cũng có thể giải quyết./.