Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có Trung tâm phục vụ hành chính công vào đầu năm 2025

Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc xây Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố sẽ được làm từng bước, thận trọng, không để xảy ra sơ suất, không xáo trộn lớn về thủ tục và cách vận hành.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8/2024 tổ chức ngày 4/9, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố đang xây dựng Đề án Trung tâm phục vụ hành chính công cấp thành phố.

Theo ông Võ Văn Hoan, việc hình thành trung tâm hành chính công một cấp ở các tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về công tác cải cách hành chính.

Đặc biệt, Nghị quyết của Chính phủ đã chọn ra 4 địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công.

Đối với việc hình thành Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan cho biết, toàn Thành phố chỉ có một trung tâm phục vụ hành chính công và sẽ áp dụng hệ thống quản trị trên mạng để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện thủ tục hành chính cho người dân của các cơ quan hành chính Nhà nước từ Thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Qua đó giúp Thành phố đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn mà không mở rộng bộ máy và tăng biên chế.

Theo kế hoạch, Đề án Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện qua 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1, Thành phố sẽ hình thành Trung tâm phục vụ hành chính Thành phố Hồ Chí Minh gồm chi nhánh trung tâm; 22 chi nhánh quận, huyện và thành phố Thủ Đức; có khoảng 24 điểm tiếp nhận của các sở và 312 điểm tiếp nhận của phường, xã, thị trấn.

Điều này có nghĩa là hình thành nên toàn bộ hệ thống dựa trên hệ thống hiện nay. Trong giai đoạn 1, chi nhánh trung tâm mới khởi động để chuẩn bị hoạt động, sang giai đoạn 2 sẽ thay thế cho tất cả điểm tiếp nhận của các sở.

Ở giai đoạn 2, Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố Hồ Chí Minh có các chi nhánh trung tâm gồm 24 điểm tiếp nhận của các sở và tất cả đều tập trung về chi nhánh trung tâm tiếp nhận một cửa tại chỗ. Các sở không phải tiếp nhận, không phải bố trí cán bộ tiếp nhận.

Trong giai đoạn 2, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có thể xem xét thành từng nhóm, từng khu vực chứ không phải tất cả địa phương, các điểm tiếp nhận bên dưới vẫn giữ nguyên.

Trung tâm hoạt động với một số nguyên tắc như: Người dân ở đâu thì sẽ được phục vụ hành chính ở đó, đảm bảo tính gần dân, sát dân. Khi thực hiện, trung tâm cũng đưa ra danh mục những nội dung thủ tục mà hoàn thiện về mặt tuyến trình, toàn trình thì tiếp nhận ngay; còn những thủ tục quá rườm rà không theo bộ mẫu thủ tục thì vẫn phải tiếp nhận như cũ.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố sẽ được làm từng bước, thận trọng, không để xảy ra sơ suất, không xáo trộn lớn về mặt thủ tục và cách vận hành.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính sẽ được tăng lên đáng kể.

Dự kiến, năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình của 1 nhân sự trực tại bộ phận một cửa trong 1 năm tăng lên mức tối thiểu là 1.800 hồ sơ; đồng thời, giảm thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân xuống trung bình còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối đa 30 phút/hồ sơ.

Theo kế hoạch, mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục