Thành phố Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi

Để duy trì đà hồi phục sản xuất công nghiệp với mức tăng không âm là cả thách thức, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục có những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam-Khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố có dấu hiệu hồi phục, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020 tuy bị tác động của dịch COVID-19.

Riêng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 6/2021, giảm 5,3% so với tháng trước.

Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh còn cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,2% so với cùng kỳ. Đồng thời, tăng hơn 0,3 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp; trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 15,6%, ngành hóa dược tăng 2,6%, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 1,2%.

Một số ngành có mức tăng cao trên 15% có thể kể đến là: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất kim loại; công nghệ chế biến, chế tạo khác; sản xuất thiết bị điện; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất sản phẩm điện tử...

Về tình hình tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong 6 tháng, chỉ số này tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả này đạt được là nhờ các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như sản xuất kim loại tăng 45,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 25,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16%...

Tuy nhiên, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 6 đầu năm 2021 cũng tăng 16,2% so cùng thời điểm năm trước.

Điển hình, một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp là sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 258,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 76,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 64,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 52%; sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại khác tăng 31,9%...

Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tuy có dấu hiệu hồi phục nhưng đang gặp lực cản bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4.

Để duy trì đà hồi phục với mức tăng không âm là cả thách thức, cần tiếp tục có những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng với đó, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sớm có giải pháp để ổn định việc làm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp kỳ vọng Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhanh việc tiêm vaccine trong những tháng còn lại của năm 2021.

[Chỉ số giá tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh tháng 6 tăng 0,22%]

Ghi nhận thực tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cũng công bố hoàn thành hơn 50% kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021. Cụ thể, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm chỉ sau 5 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2021, PNJ đạt 10.626 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 685 tỷ đồng, lần lượt tăng 62,9% và 90,6% so với cùng kỳ.

Để có được tốc độ tăng trưởng trên, bên cạnh việc tuân thủ việc giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Nhà nước về phòng chống COVID-19, công ty còn triển khai các kịch bản ứng phó để duy trì tối đa hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa vận hành.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ cho hay, PNI vừa ưu tiên bảo vệ sức khỏe và an toàn của nhân viên, của khách hàng và cộng đồn; vừa đạt tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh doanh thu được cải thiện đáng kể.

Cụ thể, PNJ đã triển khai dịch vụ giao hàng 4 giờ tại nhiều khu vực, rút ngắn tối đa khoảng cách giữa mua sắm online và offline.

Ngoài giao hàng miễn phí, tốc độ giao hàng online cũng được PNJ chú trọng triển khai dịch vụ giao nhận tận nơi miễn phí cho mọi đơn hàng trên toàn quốc nhằm mang đến những đơn hàng "an toàn và tiết kiệm."

Quy trình đóng gói và bảo quản hàng hóa của PNJ tuân thủ theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn cho khách.

Còn ở lĩnh vực doanh nghiệp FDI, Heineken Việt Nam cho biết, hiện tại đã triển khai sử dụng 56% năng lượng tái tạo tại các nhà máy; tái sử dụng hoặc tái chế đến 99% rác thải và phụ phẩm.

Heineken Việt Nam đã và đang tạo ra 183.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, đóng góp tương đương 0,9% vào tổng GDP quốc gia.

Theo ông Alexander Koch, Tổng giám đốc điều hành Heineken Việt Nam, Heineken Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của việc giữ vững cam kết đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Tương tự, hầu hết doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tinh thần đổi mới sáng tạo và thích nghi với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Doanh nghiệp cho rằng, khi người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nghiệp chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương và Chính phủ thì sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như cả nước nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục