Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng phát triển ngành du lịch thành phố không phải là nhiệm vụ riêng của Sở Du lịch mà tất cả ban ngành, địa phương và cả người dân phải cùng vào cuộc.
Với mục tiêu ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện, mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua khi thống nhất tư duy, quan điểm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị quán triệt triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 tổ chức ngày 8/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành và của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung huy động nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch. Đây là nội dung được lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, cần đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của ngành để phát huy, những quy định lỗi thời, lạc hậu phải sửa và nghiên cứu các cơ chế đột phá, có thể xin thí điểm để phát triển du lịch thành phố đồng thời, phải tăng cường tính kết nối vùng, xây dựng và củng cố các doanh nghiệp đầu đàn.
Nêu ví dụ từ tiềm năng phát triển du lịch tại huyện Cần Giờ, ông Đinh La Thăng cho rằng: Muốn Cần Giờ phát triển du lịch, thu hút người dân thì phải làm sao khách đi từ trung tâm thành phố xuống biển chỉ mất 45 phút thôi. Để làm được điều này, thành phố cần đầu tư xây dựng giao thông, cầu đường, phải xây dựng được các sản phẩm đặc trưng du lịch biển.
"Xây dựng trung tâm du lịch Cần Giờ, không những giúp người dân thoát nghèo mà còn giúp phát triển du lịch cho thành phố," Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh gợi mở.
Quán triệt về quan điểm, nhận thức, mục tiêu phát triển du lịch của thành phố, lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển thành phố nhanh và bền vững; đây là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá rất cao và có nội dung văn hoá sâu sắc, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác nhau; tăng cường liên kết trong nước, khu vực và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển ngành du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành; đẩy mạnh các loại hình du lịch có thế mạnh của thành phố như du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp, khen thưởng, hội nghị, hội thảo, triển lãm), du lịch điều dưỡng, điều trị, du lịch gắn với sự kiện thể thao quốc tế tổ chức tại thành phố; tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hoá, sinh thái, cộng đồng…
Thành phố tập trung kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch; nâng cao nhận thức văn hóa, dịch vụ theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn cho khách du lịch… Tập trung đầu tư các cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên phục vụ cho du lịch. Khẩn trương hoàn thành các công trình Công viên Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi, Khu liên hợp Thể dục-Thể thao Rạch Chiếc, Rạp xiếc, Nhà hát giao hưởng-Nhạc-Vũ kịch… /.