Ngày 17/8, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân về việc giao các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề cương chi tiết Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Lê Hoàng Quân, để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển của thành phố, việc nghiên cứu thành lập Đặc khu kinh tế đặc biệt của thành phố trên địa bàn 4 quận-huyện gồm quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ được đặt ra nhằm tạo động lực, bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng… của thành phố trong những năm tới.
Thành lập Khu kinh tế đặc biệt là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng với tương lai phát triển của thành phố.
Để xây dựng Đề án đầy đủ, toàn diện và khả thi, ông Lê Hoàng Quân đề nghị Tổ Công tác xây dựng Đề án khẩn trương nghiên cứu, bổ sung và hoàn chỉnh Đề án; trong đó tập trung phân tích, đánh giá sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu, phạm vi xây dựng Đề án và lý do lựa chọn phát triển Đặc khu kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay.
Tổ Công tác xây dựng đề án cần xác định cụ thể ngành, lĩnh vực ưu tiên, đóng vai trò động lực phát triển của Đặc khu kinh tế; đề xuất mô hình, nhiệm vụ, giải pháp phát triển và p hương án huy động vốn đầu tư xây dựng Đặc khu kinh tế từ khu vực tư nhân, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư quốc tế…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố chủ trì, nghiên cứu, rà soát lại hệ thống pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến mô hình Đặc khu kinh tế.
Đặc biệt, khảo cứu kinh nghiệm trong nước và quốc tế đối với việc phát triển các đặc khu kinh tế như thể chế, cơ chế chính sách (đất đai, tài chính, thuế, nhân lực...); nền hành chính (tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính...); đồng thời nghiên cứu kỹ những điểm nổi bật, nguyên nhân thành công và cả hạn chế… qua đó lựa chọn mô hình phù hợp, khả thi nhất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, rà soát, thống kê lại tất cả quy hoạch hiện hữu của khu vực dự kiến hình thành Đặc khu Kinh tế để tránh chồng chéo, trùng lắp khi thực hiện.
Sở cũng tập trung nghiên cứu chế độ, chính sách, thế mạnh phát triển của Đặc khu kinh tế, gắn với Quy hoạch khu Đô thị Cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng… nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế phát triển cho Đặc khu kinh tế.
Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, phần lớn các khu kinh tế chỉ phát huy tác dụng sau khi thành lập từ 5 năm đến 10 năm, do đó đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn khi thực hiện./.