Thành phố Hồ Chí Minh: Ngân hàng cấp tập tăng vốn ứng phó với nợ xấu

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu mới, thưởng cổ phiếu… hoặc tăng phát hành trái phiếu, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn
Khách hàng giao dịch tại VietinBank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Rủi ro nợ xấu tăng cao trong nửa đầu năm 2024 khiến câu chuyện đảm bảo an toàn vốn trở thành vấn đề nóng của ngành ngân hàng hiện nay.

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu mới, thưởng cổ phiếu… hoặc tăng phát hành trái phiếu, nhằm nâng cao năng lực tài chính cũng như đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR).

Đẩy mạnh phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 4.403 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

TPBank sẽ tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu phát hành thêm.

Với phương án này, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.419 tỷ đồng.

Theo TPBank, nguồn vốn mới sẽ được ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hệ thống công nghệ và mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đây cũng là nguồn bổ sung vốn trung dài hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh; đồng thời bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng, phát triển dịch vụ và các hoạt động phi tín dụng.

Kết thúc quý 2/2024, như nhiều ngân hàng khác, TPBank cũng đối mặt với vấn đề rủi ro nợ xấu. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên tổng nợ xấu thuộc các nhóm 3, 4, 5 của ngân hàng này đã lên đến gần 4.400 tỷ đồng, tăng 1,82% so với đầu năm; trong đó, nợ nhóm 4 tăng 10,9%.

Với diễn biến này, việc tăng vốn điều lệ sẽ góp phần cải thiện thêm các chỉ số an toàn cho ngân hàng này và có thêm dư địa để đầu tư, phát triển. Trước đó, để kiểm soát rủi ro, trong nửa đầu năm 2024, TPBank đã trích lập 2.130 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20% của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB).

Ngày 30/8 là hạn đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức. Dự kiến, sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.658 tỷ đồng.

Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, OCB còn đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hà Nội (HNX) cho biết, OCB vừa huy động thành công 1.000 tỷ đồng thông qua lô trái phiếu mã OCBL2427011.

Đây là lô trái phiếu thứ 5 được Ngân hàng OCB phát hành từ đầu tháng 8 đến nay và là lô trái phiếu thứ 11 trong năm 2024. Tổng giá trị huy động qua trái phiếu của ngân hàng này từ đầu năm đến nay là 12.800 tỷ đồng.

Phương án tăng vốn và đẩy mạnh phát hành trái phiếu của OCB diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này đang phải đối mặt với thách thức lớn về chất lượng tài sản, khi tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý 2/2024 lên đến 3,12%, tăng đáng kể so với mức 2,65% hồi đầu năm nay.

Nợ xấu vượt ngưỡng 3% buộc ngân hàng này phải đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát rủi ro theo quy định cũng như tăng vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Không chỉ các ngân hàng trên, trong đợt này, nhiều ngân hàng khác như Vietinbank, BIDV, MSB, SeABank, HDBank, VIB… cũng đồng loạt tăng vốn điều lệ thông qua các hoạt động phát hành cổ phiếu để trả cổ tức; đồng thời một số ngân hàng khác đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Áp lực tăng vốn vẫn gia tăng

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, cải thiện hệ số CAR, gia tăng vốn chủ sở hữu và nguồn vốn trung dài hạn, phát triển kinh doanh.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Agriseco nhận định năm 2024 là một năm các ngân hàng tập trung đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn, đặc biệt khi Đề án “Cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được phê duyệt đã được thông qua.

Tới năm 2025, nhóm ngân hàng thương mại có quy mô lớn phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu là 15.000 tỷ đồng; trong khi các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ, trung bình và có vốn nước ngoài là 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đẩy mạnh gia tăng tiềm lực tài chính, huy động nguồn vốn từ đối tác nước ngoài, mở rộng quy mô tài sản nhằm tham gia tái cơ cấu trong giai đoạn 2024-2025 như VCB, MBB, VPB, HDB, STB; từ đó mở ra dự địa tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn tới.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam vẫn là một mối quan ngại kể từ năm 2023 khi tỷ lệ nợ xấu và dự phòng tổn thất tín dụng tăng lên.

Ngoài ra, các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ nhằm ứng phó đại dịch, tiếp tục được gia hạn và dự kiến chấm dứt vào tháng 12/2024, có thể khiến cho tỷ lệ nợ xấu còn cao hơn nữa.

“Nhu cầu dự kiến về tăng dự phòng, bổ sung dự phòng tổn thất vốn vay, đang tạo thêm áp lực cho lợi nhuận của các ngân hàng vốn đã bị co kéo do thu nhập ròng tiền lãi, phí và hoa hồng đang chững lại,” báo cáo của WB cho biết.

Theo VIS Ratings - đơn vị xếp hạng tín nhiệm, quy mô vốn của hầu hết các ngân hàng có sự suy giảm trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tiền gửi thấp trong khi chi phí vốn trên thị trường liên ngân hàng tăng.

Trong bối cảnh này, một vài ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ an toàn vốn; còn các ngân hàng nhỏ có mức tăng trưởng tiền gửi thấp phải bù đắp bằng tăng nguồn vốn thị trường ngắn hạn.

Đặc biệt, quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn.

Tính đến hết tháng 7/2024, các ngân hàng đã phát hành khoảng 168.680 tỷ đồng trái phiếu. VIS Ratings dự báo, trong 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần huy động khoảng 283.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu để tăng vốn cấp 2, nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục