Thành phố Hồ Chí Minh nâng tối đa công suất xử lý rác y tế

Rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly sau khi tiếp nhận sẽ được nhân viên vệ sinh môi trường bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh nâng tối đa công suất xử lý rác y tế ảnh 1Thu gom rác thải tại khu cách ly tập trung. (Ảnh minh họa. Mạnh Minh/TTXVN)

Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc ở mức cao, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hàng loạt giải pháp nhằm giải quyết triệt để, tránh ùn ứ rác thải y tế, trong đó tập trung vào việc bổ sung thêm đơn vị xử lý chất thải tham gia hỗ trợ, nâng công suất xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch lên mức tối đa.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết khi đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên địa bàn, Thành phố chỉ định hai đơn vị tham gia xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế phát sinh từ các bệnh viện dã chiến, khu cách ly gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc. Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Thành phố tiếp tục phát sinh thêm nhiều điểm cần thu gom rác nguy hại.

Hiện trên địa bàn Thành phố có 151 khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19… với khối lượng rác thải nguy hại phát sinh gần 70 tấn/ngày. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép thực hiện cách ly F0, F1 tại địa phương khiến lượng rác thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh thêm.

Trước thực tế này, tuần qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thêm ba đơn vị chuyên xử lý rác thải nguy hại liên quan đến COVID-19, gồm Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu - nơi có hai lò đốt chất thải công nghiệp công suất 1.000 kg/giờ/lò; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, hiện có hai lò đốt công suất 1.000 kg/giờ/lò và Công ty Cổ phần Ðầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa với hệ thống 14 lò đốt xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Tây Bắc.

Hiện hai đơn vị là Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đã bắt đầu tham gia tăng cường thu gom rác thải y tế liên quan COVID-19 tại thành phố, với công suất thu gom trung bình của mỗi đơn vị khoảng 10 tấn rác/ngày.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, rác thải y tế có yếu tố dịch tễ nếu không xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường điều trị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để tránh xảy ra tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập mạng lưới làm việc trực tuyến với hai nhóm công tác hoạt động trên các ứng dụng Zalo và Viber. Nhóm một gồm các khối đơn vị quản lý, nơi phát sinh nguồn thải và đơn vị thu gom; nhóm hai gồm đại diện các khu cách ly và lãnh đạo Sở.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Không để tồn đọng rác thải tại các khu cách ly]

Thông qua các nhóm làm việc này, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo hằng ngày việc xử lý chất thải nguy hại phát sinh do dịch bệnh cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; khi có sự cố, vướng mắc, các đơn vị sẽ tương tác ngay và tìm cách tháo gỡ kịp thời.

Sở đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổ chức phương án thu gom, vận chuyển rác thải lây nhiễm phù hợp với đặc thù địa phương. Sở giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) làm đơn vị chủ lực, đảm bảo duy trì thực hiện một cách an toàn, hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải tại các khu vực cách ly tập trung do thành phố thành lập. Đơn vị này sẽ xây dựng các giải pháp, kịch bản ứng phó trong tình hình hiện nay khi lượng rác thải y tế gia tăng.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO, ngay từ những ngày đầu đại dịch COVID-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, CITENCO là đơn vị xuyên suốt xử lý chất thải nguy hại cho thành phố với ba lò đốt nhiệt độ cao được vận hành theo công nghệ hiện đại, công suất 42 tấn/ngày. Các lò đốt vẫn đang hoạt động 24/24 giờ nhằm xử lý nhanh, kịp thời chất thải phát sinh do đại dịch.

Về tần suất thu gom, CITENCO cùng các đơn vị đồng hành đã thống nhất tiến hành dựa theo lượng rác phát sinh, nơi nào phát sinh nhiều sẽ thu gom 5-6 lần/ngày, nơi nào lượng rác ít thu gom một lần/ngày. Ngoài ra, để công tác thu gom nhanh, tiện lợi, những nơi có lượng rác ít, tương đối, các đơn vị thu gom bố trí thùng nhựa loại 240 lít, nơi có lượng rác lớn ngoài thùng nhựa sẽ bố trí thêm xuồng lớn, dễ dàng đưa rác lên xe ép.

Thành phố Hồ Chí Minh nâng tối đa công suất xử lý rác y tế ảnh 2Quá trình thu gom, xử lý chất thải tuân thủ quy trình khử khuẩn chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. (Ảnh minh họa. Mạnh Minh/TTXVN)

Về quy trình thu gom và xử lý, ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết, rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly sau khi tiếp nhận sẽ được nhân viên vệ sinh môi trường bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Nhân viên thu gom của các công ty được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng có khoang kín sẽ được phun xịt khử khuẩn.

Khi về đến công trường, rác tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Tro chất thải sau khi đốt xong được hóa rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.

CITENCO cùng các đơn vị thu gom được chỉ định đã thành lập Tổ kiểm tra để giám sát tình hình thu gom, xử lý rác tại điểm cách ly, điều trị; phối hợp theo dõi, kịp thời phát hiện điểm xảy ra ùn ứ, quá tải rác y tế có yếu tố dịch tễ để tổng hợp báo cáo ban giám đốc các công ty cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, tiến hành vận chuyển, xử lý nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh, các đơn vị cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp, bảo đảm không để tồn đọng rác làm ô nhiễm môi trường và hạn chế lây lan mầm bệnh.

Về năng lực xử lý rác thải y tế có yếu tố dịch tễ thải ra mỗi ngày của Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Huỳnh Minh Nhựt, hiện công suất xử lý rác thải y tế của các công ty tham gia có thể đạt tối đa 120 tấn/ngày và các kịch bản xử lý đã được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm không để xảy ra tình trạng quá tải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục