Thành phố Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư vào các dự án văn hóa-thể thao

Thành phố Hồ Chí Minh mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với 23 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao trong đó, 5 dự án có tính khả thi cao.
Các đại biểu trao đổi thông tin về các dự án đầu tư vào văn hóa, thể thao của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ngày 15/10, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành Văn hóa và Thể thao thành phố năm 2024.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là các ngành công nghiệp văn hóa.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã trao cho thành phố nhiều cơ chế chính sách mới, tạo đà cho thành phố tăng tốc, phát triển.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Thành công của Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thiết chế văn hóa thể thao hiệu quả sẽ là tiền đề nhân rộng, thúc đẩy, khơi thông các nguồn lực để xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của nước nhà.

Thành phố cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa và thể thao; trong đó, cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cần quan tâm đặc biệt tới vấn đề xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Trên cơ sở ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Bộ sẽ luôn đồng hành cùng Thành phố kịp thời tháo gỡ các khó khăn hoặc có kiến nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tháo gỡ, tạo nền tảng vững chắc để Thành phố tăng tốc phát triển.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của Thành phố còn lớn nhưng khai thác chưa đúng mức; thiết chế văn hóa, thể thao chưa được đầu tư và phát triển ngang tầm, chưa đủ để tổ chức được các sự kiện văn hóa, thể thao có tầm vóc khu vực, châu lục, quốc tế.

Thành phố mong muốn cùng các nhà đầu tư, các bên có liên quan tham gia "giải bài toán" này. Mục tiêu trong ngắn hạn đến năm 2030, thành phố có được cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa-thể thao hiện đại tầm châu lục; phát triển công nghiệp văn hóa ngang tầm phát triển kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ông Phan Văn Mãi cho biết Nghị quyết số 98 cho phép thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Nghị quyết đã tạo cơ hội lớn, có tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển.

Vận dụng cơ chế này, thành phố cụ thể hóa thành các dự án và mời gọi đầu tư. Thành phố cam kết làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị-xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả.

Thành phố luôn lắng nghe ý kiến của các nhà văn hóa, nhà đầu tư, để hoàn thiện hơn về chiến lược phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa; hoàn thiện chính sách tạo điều kiện về môi trường kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư.

Thông tin tới các nhà đầu tư, đại diện lãnh đạo thành phố cho biết chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng vào các ngành trọng tâm như Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật; Thời trang; Nhiếp ảnh; Quảng cáo; Du lịch văn hóa.

Thành phố Hồ Chí Minh đang mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với 23 dự án, trong đó, 5 dự án có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, thành phố có 18 dự án mời gọi để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục