TP Hồ Chí Minh củng cố nội lực, huy động ngoại lực cho phát triển

Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực cho phát triển KT-XH

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài "Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế" phản ánh những giải pháp đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực cho phát triển KT-XH ảnh 1Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sau đại dịch COVID-19 (2022 -2025), năm 2023 được xác định là thời điểm có tính chất bản lề tạo đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo sau khi đạt được mục tiêu phục hồi khá ấn tượng trong năm 2022.

Tuy nhiên, những diễn biến bất lợi từ xung đột, lạm phát, tài chính toàn cầu dẫn đến suy giảm sức cầu trên diện rộng đã tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai đồng loạt các giải pháp tháo gỡ, nhằm khơi thông nguồn lực, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cả trước mắt cũng như về lâu dài.

Bài 1: Tích cực hành động

Dự báo được sớm những khó khăn của tình hình phát triển kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức các cuộc đối thoại lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của từng nhóm doanh nghiệp, quán triệt việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động.

Củng cố nội lực

Khảo sát mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 2/2023) cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do tình trạng đơn hàng sụt giảm kéo dài từ cuối năm 2022 vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

Cụ thể, đơn hàng dệt may, đồ gỗ, vật liệu xây dựng di các thị trường chủ lực đều giảm từ 30-60% so với trước. Tình trạng tồn kho gia tăng khiến doanh nghiệp bị “chôn” vốn, thiếu dòng tiền, trong khi đó số doanh nghiệp khác không có đơn hàng phải cắt giảm lao động hoặc tạm dừng hoạt động.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 2/2023 thành phố có 553 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và 11.324 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 20,1% so với cùng kỳ.

[TP Hồ Chí Minh tháo các điểm nghẽn về kinh tế để duy trì tăng trưởng]

Trong khi đó, số doanh nghiệp hoạt động trở lại chỉ có 3.741 doanh nghiệp, giảm 31,6% so với cùng kỳ. Như vậy, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao gấp 3 lần so với số doanh nghiệp quay lại hoạt động. Những con số trên cho thấy, các doanh nghiệp đang thật sự trải qua giai đoạn khó khăn dù không còn dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động hành động, tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để củng cố nội lực.

Cụ thể, ngay từ giữa tháng 2, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn. Đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có các cuộc đối thoại để lắng nghe các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đẩy nhanh xử lý vướng mắc của các dự án trên địa bàn.

Tại các cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành nào có liên quan với những kiến nghị mà doanh nghiệp nêu ra, cần chủ động mời từng nhóm hoặc từng doanh nghiệp cụ thể để nghe, giải quyết cho từng trường hợp.

Về những nội dung góp ý có tính chất chiến lược dài hạn, lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ngành, đặc biệt ngành công thương xem xét đưa vào các đề án phát triển ngành lĩnh vực và đặc biệt tranh thủ thời gian để bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực đó.

Tham dự và lắng nghe các vấn đề khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại các hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố tiếp thu đầy đủ và sẽ giải quyết từng vấn đề.

Đối với các kiến nghị liên quan đến thủ tục, vốn vay, lãi suất... thành phố khắc phục nhanh và ngay trong phạm vi thẩm quyền và tiếp tục đề xuất lên cấp trên các nội dung vượt thẩm quyền để có hướng tháo gỡ sớm nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, năm 2023 Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.”

Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực cho phát triển KT-XH ảnh 2Công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Hoạt động cải cách hành chính cần công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền, mỗi công chức phải làm đúng và làm tốt công việc của mình. Cải cách phải giúp thủ tục hành chính trở nên tối giản, ngắn ngọn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân.

Các ngành chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh chủ động tăng cường hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình cho vay kích cầu... trong bối cảnh mới, cơ chế mới, có sự chia sẻ của doanh nghiệp; làm mới hơn các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hình ảnh của các doanh nghiệp trong cộng đồng.

Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hàng chục chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước thông qua các chương trình hội thảo và kết nối doanh nghiệp (B2B); các hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần sang các tỉnh, thành lân cận và quốc tế.

Thành phố cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương (B2B) trực tuyến với hơn 4.000 lượt kết nối trong nhiều lĩnh vực ngành nghề; hỗ trợ doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ kết nối với các đối tác của thị trường Hoa Kỳ.

Thu hút ngoại lực

Một trong những điểm sáng của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh những tháng đầu năm nay là kết quả thu hút vốn FDI tăng cao. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI vào thành phố đạt gần 500 triệu USD.

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tăng cả về số lượng (tăng 70%) và vốn đăng ký (tăng 30%).

Tính chung, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài tăng 22,4% so với cùng kỳ, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên lựa chọn đầu tư vào thành phố trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang bất ổn.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Trung tuần tháng 2/2023, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức toạ đàm với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn nhằm lắng nghe các đề xuất, kiến nghị liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố.

Tại đây, ông James Ollen, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), đã nêu đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh cần ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý công nhằm tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch và hoạt động phê duyệt các thủ tục đầu tư được nhanh chóng, nhất quán.

Bên cạnh đó, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần có chính sách thuế tương thích với thế giới, qua đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng theo ông James Ollen, một trong những hạn chế của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất và du lịch. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc giao thông trong và xung quanh thành phố không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

“Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ coi trọng các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam. Các kế hoạch này cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của chuỗi cung ứng tổng thể trong khu vực để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế” - đại diện AmCham kiến nghị.

Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ thành phố phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất giá trị cao. Trong số đó, tập trung vào cải cách giáo dục, chính sách thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, logistics...

Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực cho phát triển KT-XH ảnh 3Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh đó, cần xây dựng giải pháp đáp ứng an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng sạch; khuyến khích đầu tư công nghệ cao, nâng cao năng lực nghiên cứu.

Về phần mình, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh luôn ghi nhận và nỗ lực giải quyết ngay những vướng mắc của doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền.

Song song với việc cải thiện môi trường đầu tư, thành phố đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong dài hạn, kinh phí dành cho giao thông chiếm khoảng 50% tổng kinh phí đầu tư của thành phố.

Riêng trong năm 2023, kinh phí dành cho giao thông có thể lên đến 70% ngân sách đầu tư. Ngoài ra, thành phố đang đề xuất một số cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để có thể thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách.

Liên quan xây dựng thể chế, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, ngân sách, đổi mới sáng tạo; phân cấp, phân quyền để thành phố chủ động hơn trong giải quyết thủ tục nhằm khơi thông hết tiềm năng, nguồn lực nhất là nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế, xã hội./.

Bài 2: Đòn bẩy từ công trình trọng điểm

Bài 3: Ổn định cung-cầu lao động

Bài 4: Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp

Bài cuối: Nguồn lực cho chiến lược dài hơi

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục