Ngày 19/5, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã khai trương cảng Tân Cảng-Hiệp Phước có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT đầy tải và 70.000 DWT hạ tải tại huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cảng Tân Cảng-Hiệp Phước có vị trí chiến lược là giao điểm giữa các khu công nghiệp phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; một mặt giáp ngã ba sông Soài Rạp hướng ra Biển Đông, một mặt giáp sông Đồng Điền, cách cảng Cát Lái (quận 2) 19km đường thủy và 18km đường bộ, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 23km. Cảng Tân Cảng-Hiệp Phước có diện tích đầu tư 18,7ha.
Tổng vốn đầu tư của cảng Tân Cảng-Hiệp Phước gần 1.500 tỷ đồng và chia thành hai giai đoạn. Như vậy, sau khi hoàn thành giai đoạn hai trong tháng Năm này, cảng Tân Cảng-Hiệp Phước có 420m cầu tàu, 253m bến sà lan, với tổng sản lượng quy đổi thông qua gần 9 triệu tấn/năm.
Cảng Tân Cảng-Hiệp Phước sẽ là nơi tập trung hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các khu công nghiệp ở phía Nam của Thành phố Hồ Chí Minh; là điểm kết nối hàng hóa quan trọng của các nước vùng nội Á, đảm bảo phân khúc tải trọng 3-4 vạn tấn tại cảng Cát Lái, từ 5-7 vạn tấn tại cảng Hiệp Phước và trên 11 vạn tấn tại cảng Cái Mép (Vũng Tàu). Đặc biệt, khi sử dụng cảng Tân Cảng-Hiệp Phước, các hãng tàu sẽ tiết kiệm được chi phí hàng hải và thời gian so với luồng tàu sông Lòng Tàu.
Về đường bộ, các khách hàng thuộc khu công nghiệp phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có thể tới Cảng Tân Cảng-Hiệp Phước theo tuyến Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh để kết nối với Quốc lộ 1A, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương và đường vành đai 3 (dự kiến hoàn thành trong năm 2017).
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết sự ra đời của Tân Cảng-Hiệp Phước trên luồng Soài Rạp, nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 5 và khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu đô thị cảng phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
Cảng Tân Cảng-Hiệp Phước đảm nhiệm phân khúc tàu trọng tải 50.000 DWT đầy tải và 70.000 DWT hạ tải, cho phép hệ thống cảng Tân Cảng Sài Gòn có thể tiếp nhận được tất cả các kích cỡ tàu. Cảng là “bến nối dài” của Tân Cảng-Cát Lái dưới sự quản lý, điều hành tổ chức dịch vụ và vận hành hệ thống chính sách trực tiếp của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Tổng Công ty đang chỉ đạo triển khai thí điểm một bến cảng tự động hóa theo mô hình tiên tiến của thế giới, đồng thời đang có những bước đi, lộ trình thích hợp để đầu tư chuỗi cảng biển, khu dịch vụ logistics tại khu vực Hiệp Phước - nơi được kỳ vọng sẽ thành trung tâm cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước./.