Thành phố Hồ Chí Minh họp bàn giải pháp quản lý đất công

Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố nhằm giám sát về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn.
Thành phố Hồ Chí Minh họp bàn giải pháp quản lý đất công ảnh 1Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Ngày 30/6, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố nhằm giám sát về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn Thành phố, trọng tâm là tài nguyên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Tại buổi làm việc, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận quản lý đất đai là một quá trình lịch sử, càng sửa chữa, khắc phục những vấn đề trong quản lý đất đai thì càng nhận ra những vấn đề hạn chế, bất cập, trong đó có những vấn đề về lịch sử.

Nhiều quy hoạch chậm mời gọi đầu tư, triển khai dự án khiến người dân gặp khó khăn và xảy ra vấn đề lấn chiếm đất công, nhất là trong quy hoạch đất nông nghiệp. Việc giao đất làm dự án cho các chủ đầu tư còn nặng về thủ tục hành chính, nên còn gặp khó khăn trong việc xác định năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục sửa đổi những vấn đề trong công tác quản lý đất đai theo hướng lâu dài để đảm bảo đời sống, kinh doanh của người dân đồng thời, Thành phố sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất, có cơ chế giám sát, quản lý kê khai công tác quản lý đất đai các quận, huyện. Thành phố cũng sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực điều hành của Ủy ban Nhân dân Thành phố về quản lý tài nguyên đất, trong đó có sự tham mưu tích cực của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng.

Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh theo số liệu báo cáo, trong quỹ tái định cư của Thành phố hiện còn đến 13.930 nền đất, căn hộ chưa được bố trí sử dụng trong khi nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư không có chỗ ở ổn định.

Trước vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã mua 40.052 nền đất và căn hộ làm quỹ tái định cư, đã bố trí hơn 26.000 nền đất và căn hộ cho người dân tái định cư, còn lại 13.930 nền đất và căn hộ chưa sử dụng do quá trình thay đổi chính sách tái định cư và những chính sách về bồi thường khi thu hồi đất.

Số nền đất và căn hộ tái định cư chưa được bố trí sử dụng còn lớn, do quá trình dư thừa nền đất và căn hộ tái định cư từng dự án được cộng dồn, một số hộ từ chối nhận nền đất và căn hộ tái định cư.

Sở sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân Thành phố giữ lại hơn 8.000 nền đất và căn hộ để giao cho Ủy ban Nhân dân quận, huyện giải quyết cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi 153 dự án, số còn lại sẽ được đưa vào kế hoạch giải quyết tại định cư cho các dự án trên địa bàn Thành phố.

Ông Trương Văn Danh, Trưởng Ban pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố nêu vấn đề hiện vẫn còn tình trạng đất công, nhà công cho thuê khi hết hợp đồng thuê không thu hồi lại được. Nhiều nhà công, đất công thuộc quản lý Nhà nước được các đơn vị, tổ chức thuê với giá thấp, thời hạn cho thuê rất dài gây ra sự lãng phí.

Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo sở rà soát toàn bộ và tính đúng, tính đủ giá cho thuê nhà công, đất công trên địa bàn Thành phố, những tổ chức, đơn vị thuê đất công, nhà công không sử dụng đúng mục đích sẽ bị xử lý thu hồi, những nơi nào hết hợp đồng thuê mà không giao lại nhà công, đất công cũng sẽ bị xử lý triệt để.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả giám sát của Hội đồng Nhân dân về công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn, trọng tâm là tài nguyên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý sẽ thúc đẩy công tác quản lý Nhà nước đối với vấn đề đất đai nhằm phát huy nguồn tài nguyên đất, phát sinh nguồn lợi lớn cho phát triển kinh tế-xã hội Thành phố. Quỹ đất của Thành phố không lớn, so với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt thì công tác quản lý tài nguyên đất của Thành phố ngày càng quy củ, bài bản, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nhất là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn Thành phố, trọng tâm là tài nguyên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần cân đối nguồn lực đất đai, nhà cửa cho dự án và công trình phúc lợi xã hội, không chạy theo tăng trưởng kinh tế, đảm bảo vấn đề tăng trưởng bền vững.

Thành phố phải quan tâm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đúng với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đối với dự án chậm triển khai, Ủy ban Nhân dân Thành phố cần chấn chỉnh giải quyết, nếu tiếp tục mời gọi nhà đầu tư mới cần đảm bảo lợi ích của người dân trong khu quy hoạch.

Báo cáo hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trọng tâm là tài nguyên đất do Nhà nước quản lý, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở đã xây dựng hệ thống gồm 322 mảnh bản đồ điều tra kết quả kiểm kê đất theo quy định, hệ thống này được cập nhật biến động về đối tượng quản lý sử dụng đất, mục đích sử dụng đất hàng năm là nền tảng để cập nhật, truy xuất số liệu và xây dựng báo cáo thuyết minh trong các kỳ kiểm kê, thống kê đất đai.

Tính đến nay, toàn Thành phố đã cấp hơn 1,4 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, đạt tỷ lệ 92,8% trên tổng số hơn 1,5 triệu nhà, đất trên địa bàn, các trường hợp còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận do không đủ điều kiện hoặc do người dân không có nhu cầu cấp giấy chứng nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục