Thành phố Hồ Chí Minh: Giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ

Những câu chuyện từ các nhân chứng tại tọa đàm đã giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về đóng góp lớn lao của Đoàn Cải lương Nam Bộ trong giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 8/11, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm giao lưu nhân chứng lịch sử với chủ đề “Đoàn Cải lương Nam Bộ - một thời hoa lửa.”

Sự kiện nhân Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và chuyến tàu Tập kết (1954 - 2024), Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

Các nghệ sỹ gạo cội của Đoàn Cải lương Nam Bộ đã gặp gỡ, ôn lại truyền thống. Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thiện kể, bà theo Đoàn Cải lương Nam Bộ ra miền Bắc đi diễn khi mới 11 tuổi. Có tháng bà cùng Đoàn diễn 29 đêm với 24 địa điểm khác nhau. Có những đêm diễn tới 12 giờ, sau đó lại cùng mọi người chuẩn bị cho địa điểm diễn ngày mai. Diễn viên chính khi đó cũng phải vừa hát tân nhạc, diễn hài kịch… để phục vụ chiến trường.

“Gian khổ là thế nhưng tất cả mọi người đều đồng lòng mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ người dân và chiến sĩ. Ngay từ khi gặp nhau ở miền Bắc, Đoàn Cải lương Nam Bộ thường nói với nhau rằng, dù đất nước chưa thống nhất, nhưng Đoàn Cải lương Nam Bộ đã "thống nhất" ngay từ những năm đầu khi ra Bắc,” Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thiện nói.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thiện, trong những năm theo Đoàn, bà học nhiều loại hình nghệ thuật từ hát, múa cho đến diễn xiếc và được tham gia khóa đào tạo diễn viên chung với các nghệ sỹ như Minh Châu, Thanh Vy, Hà Quang Văn.

Đến khi miền Nam cần, bà đã trở lại miền Nam để tiếp tục đóng góp.Là thành viên trụ cột của Đoàn Cải lương Nam Bộ, Đạo diễn Thanh Hạp chia sẻ: “Khoảng năm 1955, do yêu cầu phục vụ của quân đội, đoàn được tách ra thành lập Đoàn văn công Quân đội Nam Bộ và Đoàn văn công Nhân dân Nam Bộ. Hành trình làm nghệ sỹ cách mạng của chúng tôi gian lao nhưng đầy ý nghĩa. Có những khi đang diễn, máy bay địch lượn ở phía xa, người lại xuống hầm trú ẩn, khi chúng rút đi, chúng tôi lại diễn tiếp.”

Trong số nghệ sỹ của Đoàn Cải lương Nam Bộ khi đó, có những tên tuổi nổi tiếng, sau này trở thành những người dẫn đường cho nghệ thuật trong giai đoạn mới như Hoàng Việt, Ngọc Bạch, Tám Danh, Can Trường, Quốc Hương, Hoàng Khanh, Ca Lê Hồng, Phi Điểu.

Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại, những năm tháng tham gia, rèn luyện tại Đoàn cải lương đã giúp bà cùng nhiều nghệ sỹ khác trưởng thành.

Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều sân khấu xã hội hóa, đó cũng là kết quả, công sức đào tạo từ nền móng là những thành viên của đoàn Cải lương Nam Bộ ngày đó.

Năm 1956, Đoàn Cải lương Nam Bộ được thành lập trên cơ sở tách ra từ Đoàn Văn công Nam Bộ. Đoàn Cải lương Nam Bộ là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sỹ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm đã tạo nên những tác phẩm gây được tiếng vang như “Phụng Nghi Đình”, “Kiều Nguyệt Nga”, “Dệt gấm”, “Khuất Nguyên”, “Nàng tiên mẫu đơn”, “Thạch Sanh”, “Võ Thị Sáu”, “Máu thắm đồng Nọc Nạn”...

Với sức ảnh hưởng của mình, Đoàn đã trở thành ngôi sao sáng đem lời ca, tiếng hát đậm chất Nam Bộ phục vụ nhân dân trên đất Bắc.

Những câu chuyện từ các nhân chứng đã giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về đóng góp lớn lao của Đoàn Cải lương Nam Bộ trong giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, trở thành ngọn lửa tinh thần vững chắc trong thời kỳ kháng chiến, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm của thế hệ tiếp nối trong việc bảo tồn di sản văn hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục