Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng hành cùng gia đình bảo vệ, giáo dục trẻ em

Dự án hỗ trợ phát triển gia đình trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh giúp các gia đình chủ động giải quyết hoặc tiếp cận các nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Các thành viên tham gia dự án Hỗ trợ phát triển gia đình trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn cho các bà mẹ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 18/11, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tổ chức Planete Enfants & Developpement (PE&D) của Pháp tổ chức tổng kết 2 năm thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển gia đình trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.”

Đây là dự án nhằm phát huy vai trò công tác xã hội theo phương pháp đồng hành cùng gia đình hướng đến giải quyết những vấn đề khó khăn của các gia đình có trẻ em gặp khó khăn trong cuộc sống; giúp các gia đình chủ động giải quyết hoặc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ hỗ trợ để tự mình vượt qua khó khăn.

Theo Trung tâm Công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đã thành lập 2 văn phòng tham vấn trẻ em tại Quận 9 và quận Tân Phú, tập trung hỗ trợ ở lĩnh vực giáo dục, sức khỏe, pháp lý, việc làm, sinh kế và tâm lý-xã hội; hỗ trợ giúp nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở; tăng cường hỗ trợ kết nối mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại gia đình; xây dựng và triển khai các sản phẩm truyền thông liên quan đến phổ cập kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho cộng đồng về công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

[Lan tỏa yêu thương: Chấm dứt trừng phạt thể xác và tinh thần trẻ em]

Bà Nguyễn Thanh Của, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trọng tâm hoạt động của dự án là tiếp xúc gia đình; công tác tư vấn, tham vấn; tập huấn truyền thông; xây dựng và triển khai các sản phẩm truyền thông. Đồng thời, tăng cường kết nối mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em như Hội Bảo trợ trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố và mạng lưới của Tổ chức PE&D…

Đặc biệt, dự án đã cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho trẻ như: khám và cung cấp dinh dưỡng cho hơn 7.700 lượt trẻ, hỗ trợ trẻ suy dinh dưỡng định kỳ hàng tháng cho 100 trẻ; hỗ trợ khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế, giáo dục và dạy nghề, tư vấn, định hướng nghiệp.

Dự án cũng đã trợ giúp pháp lý, kiểm tra, giám sát, cập nhật và quản lý hồ sơ của trẻ (có tính bảo mật); tổ chức tập huấn cho gần 1.200 cán bộ, cộng tác viên, người chăm sóc về kiến thức pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em, kỹ năng viết dự án và vận động tài trợ, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại tình dục trẻ em, phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật tại cộng đồng.

Ngoài ra, dự án tổ chức giới thiệu mô hình hoạt động của phòng tham vấn, công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, luật pháp chính sách liên quan đến trẻ em; triển khai hoạt động thực hành dinh dưỡng tại quận Tân Phú cho các bà mẹ.

Sau hai năm triển khai thực hiện tại địa phương, bà Vũ Ngọc Dung, Phó Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Tân Phú, nhìn nhận, đồng hành với gia đình là một trong những phương pháp tiếp cận hiệu quả khi triển khai các hoạt động an sinh xã hội, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em.

“Nhiều hoạt động của dự án thật sự có ý nghĩa góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án, giúp cho cán bộ, nhân viên cơ sở xử lý công việc chuyên môn của đơn vị hiệu quả hơn. Hoạt động của dự án còn là sự hỗ trợ về nguồn lực, kỹ thuật, qua đó giúp địa phương từng bước hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày một tốt hơn,” bà Vũ Ngọc Dung chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đánh giá cao dự án đã góp phần tăng cường nguồn lực, kỹ thuật, mở rộng các nhóm đối tượng và đa dạng hóa các hoạt động trợ giúp.

Theo ông Trần Ngọc Sơn, các hoạt động của dự án đều gắn với các đề án, chương trình, kế hoạch có liên quan theo chủ trương chung của thành phố trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Vì thế, trong thời gian tới Quận 9 và quận Tân Phú có giải pháp duy trì hoạt động của hai phòng tham vấn; quan tâm hơn nữa đến đội ngũ sinh viên tình nguyện trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ.

Theo bà Julia Levivier, Trưởng đại diện Tổ chức PE&D tại Việt Nam, dự án bước đầu thành công nhờ có sự đóng góp rất lớn của các thành viên và Trung tâm Công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố đã trở thành địa chỉ tin cậy trong cộng đồng, nơi các gia đình có nhu cầu có thể tiếp cận và nhờ giúp đỡ để giải quyết những khó khăn liên quan đến giáo dục, y tế, thủ tục pháp lý và hành chính.

Bà Julia Levivier cho rằng nhờ hoạt động này, các gia đình, trẻ em đã có thêm kiến thức, thông tin để chủ động giải quyết những khó khăn của bản thân.

Bày tỏ niềm vui khi biết mô hình Trung tâm xã hội tại cộng đồng được chuyển giao và tiếp tục duy trì trong tương lai, bà Julia Levivier cam kết rằng PE&D sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để vận hành mô hình giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, đồng thời, bà đề xuất các hình thức hợp tác trong thời gian tới như dự án “Hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới,” dự án Phát triển mầm non “Hỗ trợ trẻ em dưới 5 tuổi”… nhằm mang lại sự hỗ trợ toàn diện cho các đối tượng dễ bị tổn thương.

Dự án “Hỗ trợ phát triển gia đình trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh” được thực hiện từ tháng 8/2017 đến nay và đã tiến hành việc tiếp xúc gia đình và đồng hành cấp độ 1 cho 816 hộ; tiếp tục đồng hành cấp độ 2 cho 189 hộ có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp.

Điều này giúp cho việc kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe, tâm lý, vấn đề học tập, đánh giá nhu cầu cần thiết của trẻ và gia đình để đồng hành hỗ trợ trẻ có cuộc sống tốt hơn./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục