Ngày 31/8, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn sau đại dịch.
Nhiều nội dung, kiến nghị được doanh nghiệp đề cập tại hội nghị, nhưng tựu chung điều doanh nghiệp tha thiết mong mỏi là chính quyền Thành phố cần tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, qua đó tạo sự ổn định lâu dài cho doanh nghiệp thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà
Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam kiêm Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SBA), nhiều vấn đề thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan khác nhau dẫn tới mất thời gian, làm tăng chi phí gián tiếp, gây suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.
[Cần có trợ lực về tài chính để doanh nghiệp duy trì và phục hồi]
Đặc biệt, trong vấn đề điều chỉnh phê duyệt quy hoạch, do nhiều quy định pháp luật gần đây bị thay đổi, theo hướng đi ngược, từ "một cửa" trở lại cơ chế "nhiều cửa," đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực, hối lộ và tham nhũng.
Trên thực tế, thời gian qua đã có tình trạng doanh nghiệp tiến hành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể, dù là điều chỉnh cục bộ, nhưng vẫn mất khoảng 2 năm mới xong so với trước đây, so với thông thường từ 3-6 tháng.
“Thậm chí, một số doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng thêm hạng mục dịch vụ nhỏ hay công trình phụ trợ (như kiốt, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh, nhà chuyển tiếp chất thải công nghiệp...) để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho người lao động và tiến độ sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn do Ban Quản lý phải xin ý kiến Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và chính quyền địa phương,” bà Hồ Thị Thu Uyên nói.
Đại diện SBA cho rằng các bước thẩm định phi kỹ thuật, mang nặng tính hành chính làm kéo dài thời hạn giải quyết thủ tục, dẫn tới những ảnh hưởng lớn cho doanh nghiệp như thời gian chờ đợi, đội vốn chi phí dự án do yếu tố lãi suất, lạm phát và ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư sản xuất và chế tạo.
Đại diện SBA cũng đề cập một loạt bất cập, vướng mặc trong hoạt động đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao liên quan đến việc quy hoạch, các quy định về môi trường, cấp phép xây dựng... mà nguyên nhân là khâu thủ tục và phân quyền của các cơ quan hành chính không mạch lạc.
Từ thực tế đó, SBA kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan thẩm quyền cho phép Khu Công nghệ cao tiếp tục giữ vai trò cơ quan một cửa để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hơn, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang dần phục hồi sau dịch COVID-19.
Ngoài ra, những thủ tục hành chính liên quan đến điều chỉnh đầu tư, hạ tầng, xây dựng, nhân sự, tài chính... rất cần sự hỗ trợ và kịp thời giải quyết về giấy phép của Ban Quản lý và chính quyền quận, huyện, thành phố.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn Thành phố tiếp tục đi đầu và cùng cả nước đẩy mạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất ở tất cả sở, ban, ngành trên mọi lĩnh vực.
Từ đó, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Đây cũng là tiền đề giúp chính quyền triển khai nhanh, hiệu quả và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận những nguồn lực từ các gói hỗ trợ khôi phục.
“Chúng tôi rất mong Thành phố cùng các sở, ngành có một bộ phận tiếp nhận được ngay các ý kiến của các Hiệp hội khi phát sinh vấn đề; đồng thời tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng ngành nghề. Qua đó, trực tiếp lắng nghe và rà soát những quy trình thủ tục bất cập gây phiền hà cho doanh nghiệp và xác định những cơ quan, đơn vị nhà nước gây khó dễ cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như tổng hợp, kiến nghị đến Trung ương những quy định không thuộc thẩm quyền giải quyết để Trung ương sớm có biện pháp tháo gỡ. Đây là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ khi làm tốt và làm tốt hơn nữa thì mới tạo ra hiệu quả bứt phá,” bà Lý Kim Chi nói.
Từ kết quả thực tế khảo sát tại các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính hiện nay còn phức tạp, rườm rà, doanh nghiệp mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, đào tạo...
Các doanh nghiệp đề xuất các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết đến các doanh nghiệp về thay đổi các chính sách, các quy định của pháp luật để doanh nghiệp chủ động thực hiện; công khai minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chế độ chính sách và tăng cường các nguồn lực.
Đồng thời, Thành phố cần áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảm bớt thủ tục giấy...
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Thành phố cần tăng khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, đẩy mạnh việc huy động đầu tư từ xã hội để khai thác hiệu quả tài nguyên đất và không gian đô thị; rà soát những quỹ đất hiện có, xử lý tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả; thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau dịch COVID-19; có chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố...
Quyết tâm tạo chuyển biến
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn chủ đề năm 2021 của Thành phố “Năm xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư,” trong đó có nội dung về cải cách thủ tục hành chỉnh, cải thiện môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, trong năm 2021, do phải tập trung thực hiện phòng, chống dịch, chủ đề này tiếp tục được thực hiện trong năm 2022. Điều này cho thấy vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đang là điểm nghẽn mà toàn hệ thống chính trị Thành phố cần tập trung tháo gỡ.
Theo Bí thư Thành ủy, trong nhiều nội dung kiến nghị của doanh nghiệp, vấn đề tựu chung là đề xuất tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; quy định mỗi cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu, phải cam kết làm đúng vai trò của mình, làm tốt nhiệm vụ được giao.
Mới đây, Thành phố đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý những vấn đề tồn đọng có liên quan đến doanh nghiệp, người dân, để có bộ phận chuyên trách nhận nhiệm vụ tập trung giải quyết vấn đề tồn đọng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, thậm chí là mục tiêu chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, người dân.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương.
Một trong những nội dung chính của Ban Chỉ đạo này là phòng ngừa tiêu cực, giám sát hệ thống hành chính hoạt động minh bạch, có sự tham gia giám sát của nhân dân, hạn chế tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu; đồng thời, sẽ xử lý nghiêm khi có sai phạm.
Với những nhiệm vụ trên, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến môi trường làm việc văn minh, văn hóa công sở; đồng thời đề nghị cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chủ trương này và cùng tham gia thực hiện, phối hợp với Thành ủy, chính quyền thành phố quyết tâm tạo chuyển biến thật sự, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh trên toàn Thành phố.
Lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, phải thi đua cùng với doanh nghiệp để tạo chuyển biến thực sự; có sự phân công phân cấp rạch ròi trong việc theo dõi giám sát đối với những kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.../.