Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nguy cơ 'dịch chồng dịch'

Sở Y tế TP.HCM nhận định nguy cơ dịch chồng dịch đang hiện hữu nếu không có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu cũng như sự chung tay của các sở, ngành, đoàn thể và người dân.
Nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh chăm sóc cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trước thực trạng số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng gia tăng, Sở Y tế thành phố nhận định nguy cơ dịch chồng dịch đang hiện hữu nếu không có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu cũng như sự chung tay của các sở, ngành, đoàn thể và người dân.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây.

Tuần 19 (từ 8/5 đến 14/5), số ca mắc tay chân miệng chưa tới 100 trường hợp, trong tuần 22 (từ 29/5 đến 4/6), số ca mắc đã tăng lên hơn 250 ca, cao gấp hơn 2 lần so với tuần 19.

Đặc biệt, kết quả giải trình tự gen của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford cho thấy 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả dương tính với Enterovirus 71 (EV71) và đều có kiểu gene B5.

B5 cũng là kiểu gene của EV71 gây bệnh nặng ở trẻ em vừa được phát hiện trở lại qua các trường hợp nặng tại 3 bệnh viện nhi đồng của Thành phố. Kiểu gene B5 của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007 và xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015, 2018.

Trong khi đó, theo quy luật diễn tiến dịch bệnh sốt xuất huyết hàng năm tại Thành phố Hồ Chí Minh, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu khoảng tuần thứ 25 (tức khoảng 2 đến 3 tuần tới) và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm.

[TP.HCM: Bệnh tay chân miệng gia tăng, lo thiếu thuốc điều trị]

Trong 2 tuần qua, tuy Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ xuất hiện vài cơn mưa, nhưng qua giám sát tại 30 điểm nguy cơ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, có đến 20 điểm nguy cơ có loăng quăng (bọ gậy), chiếm hơn 50%.

“Tỷ lệ này chắc chắn sẽ cao hơn nữa nếu từng địa phương và mỗi hộ gia đình không quyết liệt diệt muỗi, diệt lăng quăng để kiểm soát dịch khi Thành phố Hồ Chí Minh bước vào mùa mưa,” Báo cáo giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố nêu rõ.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định trong những tháng sắp tới, thành phố đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch nếu không khẩn trương thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát cả hai bệnh này.

Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tập huấn lại công tác phòng, chống dịch cho các Trung tâm Y tế, trạm y tế; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến quận, huyện, phường, xã trong các hoạt động chuyên môn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu Ủy ban Nhân dân quận/huyện, phường/xã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch như duy trì hoạt động loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; tăng cường giám sát hoạt động phòng chống tay chân miệng tại các trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống dịch và xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục-Đào tạo tăng cường các hoạt động phòng chống dịch trong trường học; đặc biệt là phòng chống bệnh tay chân miệng trong các trường mầm non. Các trường luôn đảm bảo đủ bồn rửa tay và xà phòng cho học sinh, giáo viên, nhân viên và khách sử dụng; tập huấn lại cho giáo viên, bảo mẫu về kỹ năng vệ sinh khử khuẩn bề mặt, vật dụng, đồ chơi; tập huấn cho giáo viên, bảo mẫu những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị mắc tay chân miệng và các biện pháp giám sát bệnh trong trường học cũng như kỹ năng truyền thông cho phụ huynh.

Đối với các sở, ngành, Sở Y tế đề nghị cần chủ động triển khai hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong cơ quan, đơn vị và trong phạm vi mình quản lý. Đối với các đoàn thể, mỗi đoàn viên, hội viên lựa chọn hoạt động phòng chống dịch phù hợp và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể nhằm thay đổi hành vi của đoàn viên, hội viên cũng như tham gia các chiến dịch vận động cộng đồng do chính quyền địa phương phát động.

Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động thực hiện phòng bệnh cho bản thân và gia đình như rửa tay bằng xà phòng, truy tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh loăng quăng. Những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần thường xuyên vệ sinh khử khuẩn bề mặt và đồ chơi của trẻ. Khi trong gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh truyền nhiễm cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục