Bước sang năm 2021, những mô hình bán lẻ hiện đại, công nghệ bán hàng tiện ích được đánh giá là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà bán lẻ.
Hơn thế nữa, với bối cảnh dịch COVID-19 thì xu hướng tiêu dùng đang dần dần thay đổi "đảo chiều" khi doanh nghiệp, nhà bán lẻ không chỉ tích cực triển khai giải pháp giữ chân và thu hút khách hàng, mà còn đòi hỏi phải chủ động tìm kiếm khách hàng và đến với khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Định vị mô hình bán lẻ
Chia sẻ về chiến lược của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op đánh giá việc nghiên cứu phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử là hai mô trình bán lẻ mới mà nhà bán lẻ này chú trọng trong thời gian tới.
Trong số đó, Saigon Co.op đã và đang đẩy mạnh triển khai mô hình thương mại điện tử (E-Commerce) và phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel).
Bên cạnh đó, trang thương mại điện tử http://Coopmart.vn; kênh bán hàng qua điện thoại... được ra mắt và chính thức phục vụ khách hàng đã trở thành kênh mua sắm ưu chuộng trên thị trường bán lẻ.
Với những nỗ lực và hướng đi riêng, Saigon Co.op đã vận hành được mô hình thương mại điện tử, tiến hành nâng cấp giao diện website, bổ sung các chức năng mới... phục vụ khách hàng.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đáp ứng lòng tin của người tiêu dùng, Saigon Co.op thực hiện chiến lược có mạng lưới bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả, song song với phát triển thương mại điện tử, kênh mua sắm tiện ích.
Điển hình, hoạt động quản trị của Saigon Co.op từng bước thay đổi gắn liền với công nghệ hóa, điện toán hóa; tích cực phát triển nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động...
[Xu hướng chủ đạo của ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh]
Tương tự, thực hiện tầm nhìn “Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt,” hệ thống siêu thị Big C - một thành viên của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đang dần chuyển đổi diện mạo hoàn toàn mới. Đồng thời, kèm theo đó là sự cải tiến không gian mua sắm, nâng cao chất lượng dịch vụ... nhằm đem lại những trải nghiệm khách hàng hoàn toàn mới cho khách hàng.
Dự kiến trong năm 2021, Đại siêu thị Big C sẽ lần lượt tái định vị và đổi tên thành Đại siêu thị GO!, mang đến hình ảnh một chuỗi hệ thống Đại siêu thị khác biệt, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và góp phần vào sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam.
Trước đó, từ cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2021, các Đại siêu thị Big C (hiện là các siêu thị Big C nằm trong các Trung tâm thương mại), đã chuyển đổi thành Đại siêu thị GO!.
Cụ thể, có 5 Đại siêu thị GO! hoàn tất quá trình đổi tên là Đại siêu thị GO! Nha Trang, Đại siêu thị GO! Dĩ An, Đại siêu thị GO! Cần Thơ, Đại siêu thị GO! Hạ Long và Đại siêu thị GO! Vĩnh Phúc. Ngoài ra, từ đầu tháng 3/2021, có 3 siêu thị Big C tại Tp. Hồ Chí Minh (hiện là các siêu thị đặt tại các tòa chung cư), gồm: Big C An Phú, Big C Thảo Điền và Big C Âu Cơ đã chính thức khoác lên diện mạo mới với tên gọi là Tops Market.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, phát triển môi trường bền vững cũng là một trong 7 hoạt động trọng điểm trong kế hoạch phát triển bền vững của Central Retail tại Việt Nam.
Do đó, Central Retail tại Việt Nam vừa cùng Công ty Norsk Solar ký kết thỏa thuận hợp tác để lắp đặt và khai thác năng lượng điện mặt trời tại các Trung tâm thương mại GO!.
"Triển khai dự án điện năng lượng mặt trời kết hợp với nhiều hoạt động xanh đã được triển khai, Central Retail tại Việt Nam mong muốn sẽ tạo nên những trung tâm thương mại xanh, đại siêu thị xanh, đóng góp vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư và mang đến một môi trường mua sắm không chỉ tiện lợi mà còn thân thiện và bền vững cho khách hàng" - bà Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ thêm.
Trong thời gian sắp tới, Tập đoàn Central Retail dự kiến sẽ phủ năng lượng xanh tại tất cả trung tâm thương mại và đại siêu thị của tập đoàn trên 39 tỉnh, thành khắp cả nước. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong các cam kết phát triển bền vững của tập đoàn tại Việt Nam.
Chuyển đổi công nghệ bán hàng
Ở lĩnh vực ứng dụng công nghệ bán hàng, đầu tháng 3/2021, Gojek cũng công bố đã hoàn thành việc triển khai ứng dụng GoBiz - nền tảng quản lý đơn hàng dành cho các đối tác nhà hàng với đa dạng tính năng giúp tối ưu hoá quy trình giao đồ ăn trực tuyến. Qua đó, các đối tác nhà hàng sẽ tăng trưởng kinh doanh hiệu quả và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Thống kê, có hơn 80% các nhà hàng, quán ăn trên Gojek đang sử dụng GoBiz hàng ngày, giúp rút ngắn thời gian “từ nhà hàng tới khách hàng" lên tới 50% và lượng đơn hàng hoàn thành có thể tăng cao.
Với hơn 80.000 nhà hàng đang hoạt động trên ứng dụng, cung cấp hàng triệu lựa chọn các món ăn, thức uống, GoBiz là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà hàng chủ động quản lý đơn hàng GoFood, giúp cho toàn bộ quá trình đặt hàng, chuẩn bị hàng và giao hàng giữa khách hàng, nhà hàng và tài xế diễn ra một cách thuận lợi và hạn chế sai sót về đơn hàng.
Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Phát triển kinh doanh GoFood của Gojek Việt Nam, cho hay Gojek hướng đến không chỉ một, mà là ba siêu ứng dụng, gồm: ứng dụng dành cho người dùng, đối tác tài xế và đối tác nhà hàng. Nếu ví toàn bộ hệ sinh thái của Gojek là một tảng băng lớn, thì những ứng dụng hướng đến các đối tác tài xế, quán ăn, nhà hàng là phần băng chìm bên dưới, tuy có thể không nhìn thấy nhưng giữ vai trò quan trọng.
Chính vì vậy, GoBiz được kỳ vọng sẽ mang lại cho người bán, từ các chuỗi nhà hàng đến những quán ăn nhỏ lẻ trên GoFood cơ hội kinh doanh mới, thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian giữa các nhà hàng và khách hàng. Đặc biệt, đơn vị kinh doanh có thể tính toán chính xác hơn về đầu vào nguyên liệu, chủ động chuẩn bị mặt hàng, tránh tình trạng hết hàng dẫn đến khách hàng hủy đơn.
Đánh giá cao những bước tiến chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua, tuy nhiên ông Hồ Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA cho rằng, qua quá trình tiếp cận doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy vẫn còn nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh nhận thức chuyển đổi số chỉ dành cho doanh nghiệp lớn và e ngại đầu tư chi phí.
Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng chữ ký số hay sử dụng hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp hay đơn vị kinh doanh, bán lẻ không mất bao nhiêu chi phí và có thể ứng dụng dễ dàng ngay khi triển khai.
Theo ông Hồ Đức Hùng, mô hình chuyển đổi số phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh; trong đó cả mô hình kinh doanh và chuyển đổi số phải đồng bộ mới tạo ra mô hình quản trị, bán lẻ chuyển đổi số toàn diện.
Doanh nghiệp, nhà bán lẻ không nên đầu tư những phần mềm rời rạc như đầu tư hệ thống kế toán, rồi đầu tư hệ thống quản trị, hệ thống bán hàng... mà nên đầu tư những phần mềm tích hợp hay công nghệ hội tựu dữ liệu để tiết kiệm chi phí và khai thác hiệu quả hơn.
Còn ở góc độ chuyên gia, ông Lê Anh Khoa, Trưởng bộ phận dịch vụ tư vấn công nghiệp 4.0, Công ty Trách nhiệm hữu hạn TUV SUD Việt Nam, cho hay để một doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp cần hiểu rõ hiệu quả, cũng như lợi ích của chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, định vị mô hình doanh nghiệp và chọn lựa quy trình chuyển đổi số phù hợp cũng là vấn đề quan trọng.
Doanh nghiệp nên đánh giá mô hình sản xuất kinh doanh bằng những tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở những chỉ số tiêu chuẩn quốc tế cụ thể đối với từng ngành nghề, lĩnh vực đều có những chỉ số tiêu chuẩn quốc tế cụ thể.
Với chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhận thức cho đội ngũ người lao động hiểu giá trị của chuyển đổi số nói chung và công nghệ mới nói riêng./.