Tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn phức tạp, khó lường.
Theo quan sát thực tế, một bộ phận người dân không tuân thủ nghiêm khuyến cáo của ngành y tế.
Nhiều phụ huynh chở con đi không đeo khẩu trang cho con; người ra phố đi bộ còn đông, tụ tập, không đeo khẩu trang; các hàng quán vẫn chưa đảm bảo các tiêu chí phòng, chống dịch.
Đây là vấn đề được ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại cuộc họp báo thông tin định kỳ về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chiều tối 4/11.
Số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng
Về số ca nhiễm tại thành phố, ông Phạm Đức Hải cho biết số ca mắc mới của thành phố có xu hướng tăng. Có ngày, số ca mắc mới là trên 1.000 ca.
Bên cạnh đó, số ca nhập viện những ngày gần đây cũng tăng, cụ thể: ngày 1/11 là 989, ngày 2/11 là 1.025 và ngày 3/11 là 944.
[Quang cảnh nơi giành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nặng ở TPHCM]
Số liệu tử vong cũng đáng quan ngại khi ngày 30/10 chỉ có 21 ca, 31/10 lên 25 ca, ngày 1/11 lên 31 ca và 2/11 lên 40 ca.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của ngành y tế. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng địa phương cần xử phạt nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định phòng dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trong hai tuần qua, Thành phố Hồ Chí Minh ở cấp độ 2. Tuy nhiên, theo tiêu chí số ca mắc mới trên 100.000 dân/ tuần, thành phố ở cấp độ 3. Nhờ các tiêu chí khác như độ bao phủ vaccine và tính đáp ứng của hệ thống điều trị, thành phố được xét ở cấp độ 2.
Về số bệnh nhân nhập viện tầng 2, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhân này có nhiều nhóm như bệnh nhân tự nhập viện; nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện tầng 2 vì có bệnh nền.
Thực tế, nhiều người trong số này có thể theo dõi, cách ly tại cơ sở cách ly cộng đồng.
Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đang thu gọn dần khu cách ly và bệnh viện dã chiến tầng 2 còn chỗ trống nên bệnh nhân được chuyển lên nằm tại bệnh viện tầng 2.
Liên quan đến vấn đề kể từ khi Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 18 (từ ngày 1/10 đến nay), thành phố đã phát hiện bao nhiêu F0 trong số những người từ địa phương khác trở về, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thành phố chưa có số liệu thống kê về vấn đề này. Tuy nhiên, qua khảo sát, số F0 mới phát hiện ở khu cách ly thì đa phần là người chưa tiêm vaccine.
Theo khảo sát của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, với một số trường hợp F0 nhập viện ở tầng điều trị thứ 2, ghi nhận 14% trường hợp chưa tiêm vaccine, trong số này có đến 90% ca mắc dưới 18 tuổi. Còn lại có đến 86% trường hợp đã tiêm 1-2 mũi vaccine nhưng vẫn dương tính và nhập viện tầng 2, hầu hết các trường hợp này có triệu chứng nhẹ, không phải hồi sức. Bên cạnh đó, khảo sát của Sở còn cho thấy, số giường thở oxy, số ca thở máy xâm lấn đều giảm.
"Từ kết quả khảo sát trên, Sở Y tế khuyến cáo tất cả người dân, dù đã tiêm vaccine, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra. Do đó, để thành phố có thể tiếp tục an toàn ở cấp độ 2, mọi người dân cần tuân thủ 5K để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan,” ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
150 chợ truyền thống được hoạt động trở lại
Về tình hình kinh doanh trên địa bàn, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 150 trong số 234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Lượng hàng hóa cung ứng hằng ngày ở thành phố tiếp tục tăng.
“Theo thống kê, lượng hàng hóa về các điểm tâp kết đạt 6.500 tấn/ngày, thấp hơn bình thường khoảng 1.500 tấn. Tuy nhiên, con số tăng liên tục và khá cao so với trong dịch,” ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Liên quan đến vấn đề số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết theo báo cáo, trong 9 tháng của năm, thành phố có 12.860 doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động. Tính đến ngày 1/11, tổng doanh nghiệp đăng ký mở cửa trở lại là 7.872 doanh nghiệp, với hơn 800.000 lao động (chiếm tỷ lệ 61%).
Liên quan đến nhu cầu lao động, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết riêng khu vực thương mại-dịch vụ có 33.156 chỗ, chiếm 80,1% so với tổng nhu cầu. Trong khi đó, khu vực công nghiệp-xây dựng còn 8.191 chỗ, chiếm 19,8% so với tổng nhu cầu nhân lực quý 3.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thành phố đã chuẩn bị nhiều công việc, nhiều nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp cũng như người lao động sẽ ổn định để phục hồi sản xuất kinh tế tới cuối năm.
Xử lý hành chính 26 vụ vi phạm phòng, chống dịch
Liên quan đến các vụ vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong tháng 10, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 184 vụ phạm pháp hình sự. So với cùng kỳ, số vụ giảm 44,2 %, nhưng tăng từ 60-80% so với tháng liền kề. Cơ cấu tội phạm chủ yếu vẫn tập trung về các tội xâm phạm sở hữu tài sản.
Do đó, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã quán triệt lãnh đạo Công an quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện đồng bộ các giải pháo nghiệp vụ, quyết tâm kéo giảm số vụ phạm pháp, tăng cường thực hiện tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa, xây dựng phương án đấu tranh phòng, tránh tội phạm; đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch.
Ngoài ra, để quản lý địa bàn được sâu sát, Công an thành phố đang tập trung quản lý cư trú và con người thông qua hai dự án là quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia và căn cước công dân có chip.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã giao trách nhiệm cho thủ trưởng các đơn vị. Nếu để xảy ra tình trạng phức tạp, địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Công an thành phố.
Theo thống kê, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, Công an đã xử lý hành chính 26 vụ vi phạm phòng, chống dịch COVID-19 như kinh doanh hàng hóa là thuốc do nước ngoài sản xuất nhưng không có chứng từ; buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc; sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức; đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng…
Bên cạnh đó, cơ quan Công an cũng tiếp nhận 62 đơn tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố về các hành vi như giả mạo vị trí, cấp bậc; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức, làm lây lan dịch bệnh…
Đồng thời, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 33 vụ về hành vi lợi dịch chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, tham ô tài sản…/.