Chiều tối ngày 28/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố. Nhiều nội dung liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của thành phố và cơ chế, chính sách thu hút nhân tài được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.
Đẩy nhanh giải ngân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong 4 tháng đầu năm còn thấp, chỉ đạt 8%. Nguyên nhân là do sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố bắt đầu có khởi sắc nhưng chưa hoàn toàn phục hồi.
Trong khi đó, ảnh hưởng của tình hình thế giới, đặc biệt là chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến giá xăng dầu tăng, kéo theo giá cả nguyên liệu, phí vận chuyển của các mặt hàng tăng đột biến. Do đó, các doanh nghiệp cũng bị động khi chuẩn bị các điều kiện để tái sản xuất.
Ngoài ra, theo ông Trần Anh Tuấn, qua rà soát các dự án đầu tư từ giai đoạn 2016-2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố ghi nhận còn khoảng 2.000 dự án ở các cấp đang triển khai hoặc chờ triển khai.
Trong khi đó, yêu cầu chuyển sang giai đoạn mới phải đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, tính toán đến thứ tự ưu tiên nên các dự án phải điều chỉnh nhiều lần, mất khá nhiều thời gian và làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Về giải pháp, ông Trần Anh Tuấn thông tin, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cùng các Sở, ngành đã chuẩn bị khá đầy đủ các thủ tục đầu tư, chuẩn bị vốn, công khai vốn đầu tư.
[Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế-xã hội]
Mục tiêu đến hết quý 2 năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố sẽ đạt khoảng 40%; việc giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ nhanh chóng hơn, đi vào thực hiện triển khai đầu tư các dự án.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố sẽ tăng cường hậu kiểm thông qua phần mềm giám sát đầu tư, các dự án... Hằng tuần, thành phố tổ chức họp giao ban khối đô thị để nhận diện những khó khăn vướng mắc từ các sở ngành và các chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án lớn trọng điểm để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ.
Mở rộng thu hút nhân tài
Liên quan đến nội dung thu hút nhân tài, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Hùng Tấn cho biết, năm 2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định về cơ chế thu hút nhân tài và năm 2020 đã ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện.
Về nhu cầu, trong giai đoạn năm 2020-2021, thành phố cần tuyển 14 vị trí cho 4 cơ quan, đơn vị nhưng đến mới tuyển chọn được 5 chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện các chuyên gia vẫn đang thực hiện nhiệm vụ khoa học được giao theo kế hoạch đề ra, chưa có trường hợp chuyên gia nào xin nghỉ việc.
Lý giải cho thực trạng này, ông Lâm Hùng Tấn cho biết, do nhu cầu về người tài của các cơ quan, đơn vị rất đa dạng, thay đổi theo yêu cầu thực tiễn trong khi việc đảm bảo tuân thủ quy trình tuyển chọn theo hướng công khai, minh bạch đòi hỏi nhiều thời gian triển khai, thực hiện.
Ngoài ra, do tác động của đại dịch COVID-19 nên số lượng chuyên gia, nhà khoa học đăng ký chưa nhiều. Một số trường hợp gặp khó khăn về di chuyển, không thể tham gia phỏng vấn, nhận công việc do đang ở nước ngoài.
Theo ông Lâm Hùng Tấn, qua thời gian thực hiện, đến nay chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đã tạo động lực mới trong phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao của thành phố trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
“Chính sách sử dụng và phát huy nguồn chất xám khoa học cũng đã từng bước tạo sự chủ động cho đơn vị cũng như góp phần củng cố niềm tin, tạo động lực cho các chuyên gia yên tâm làm việc, góp phần phát huy sức mạnh tri thức, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội,” ông Tấn nói.
Với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút nhân tài và mở rộng hơn ở nhiều lĩnh vực để chọn lựa được các chuyên gia, nhà khoa học tham gia, góp phần phát huy sức mạnh tri thức cùng thành phố phát triển.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông báo thu hút 5 vị trí chuyên gia, nhà khoa học năm 2022 gồm tư vấn quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tư vấn cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh tế tập thể, tư nhân; chuyên gia lĩnh vực công nghệ sinh học môi trường; chuyên gia lĩnh vực công nghệ sinh học thực phẩm và chuyên gia lĩnh vực công nghệ sinh học động vật.
Chuyên gia, nhà khoa học được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tuyển chọn sẽ được hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, hưởng mức lương hằng tháng và hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại theo quy định. Ngoài ra, tùy vào vị trí, chuyên gia, nhà khoa học còn có thể hưởng phụ cấp khuyến khích 1% kinh phí mỗi công trình nghiên cứu./.