Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hơn 490 tỷ đồng phòng chống triều cường

Với tổng kinh phí hơn 492 tỷ đồng, TP.HCM sẽ xây dựng 62 công trình nâng cấp bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp với giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở bờ sông, nạo vét tiêu thoát nước.
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hơn 490 tỷ đồng phòng chống triều cường ảnh 1Triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 16/9, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đầu tư 62 công trình nâng cấp bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp với giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở bờ sông, nạo vét tiêu thoát nước năm 2014-2015 với tổng kinh phí đầu tư hơn 492 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2014, các địa phương sẽ triển khai 45 công trình, trong đó công trình nâng cấp bờ bao rạch Hóc Môn sử dụng cừ nhựa Upvc để thi công, công trình còn lại thi công theo phương pháp truyền thống (sử dụng cừ tràm, đắp đất); trong năm 2015 sẽ triển khai 17 công trình.

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án được đầu tư đều tập trung ở các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, thấp trũng ở các quận huyện như quận Thủ Đức (13 điểm), Bình Thạnh (11 điểm), quận 12 ( 11 điểm), huyện Củ Chi ( 9 điểm)...

Trong quá trình triển khai các dự án này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thường xuyên kiểm tra các khu vực trọng điểm, xung yếu thuộc danh mục các công trình đã đề xuất đầu tư để chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình, phóng chống tràn bờ, bể bờ khi có triều cường, mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ, không để xảy ra sự cố gây chết người, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân nhất là mùa mưa lũ như hiện nay.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng, các quận huyện liên quan trong quá trình triển khai các công trình phải đảm bảo sử dụng kỹ thuật thi công hiện đại, hiệu quả và tiết kiệm.

Theo dự báo của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, mùa mưa năm nay, tại thành phố sẽ có 52 tuyến đường dễ xảy ra ngập, trong đó nhiều nhất là tại địa bàn các quận Thủ Đức, 11 và Tân Bình.

Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra nhiều cơn mưa lớn, có cơn đạt vũ lượng lên tới 122mm, gây ngập nhiều tuyến đường và thiệt hại tài sản của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục