Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết kết quả giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm cho thấy đã có sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 - biến thể được WHO xếp vào nhóm đáng quan tâm.
Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 ảnh 1Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Sáng 14/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tăng nhẹ.

Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm cho thấy đã có sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 - biến thể được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể đáng quan tâm, tiếp tục theo dõi chặt chẽ.

Theo Trung tâm, tính từ đầu tháng Ba vừa qua đến nay, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày, trung bình 1 ca/ngày. Riêng tuần từ ngày 6-12/4 vừa qua có 6 người mắc; tuy nhiên ngày 13/4 đã ghi nhận 7 ca mắc COVID-19.

Hiện toàn thành phố có 12 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, không có ca bệnh nặng phải thở máy.

Trong khi đó, kết quả giải trình tự gene của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh từ các bệnh nhân dương tính từ ngày 11/1-20/3 vừa qua cho thấy trong số 5 mẫu được giải mã thành công có 2 mẫu thuộc biến thể phụ BA.5, một mẫu BA.2.75, một mẫu XBB.1 và một mẫu XBB.1.5.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết XBB.1.5 đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu, lưu hành tại 94 quốc gia.

Các dữ liệu phân tích hiện nay không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB gây ra.

[Số mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng, lên 497 ca, cao nhất trong 4 tháng] 

Tổ chức Y tế Thế giới xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm, tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Như vậy, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước dấu hiệu tăng nhẹ của các ca mắc COVID-19, Sở Y tế thành phố đã ban hành công văn chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các cơ sở y tế khẩn trương tăng cường công tác phòng, chống dịch.

Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh COVID-19, chùm ca viêm hô hấp; phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford theo dõi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 lưu hành; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ cao.

Các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24h để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và cấp cứu của người dân.

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn sẵn sàng bố trí khu vực cách ly, thu dung và điều trị người bệnh tại khoa, đơn vị COVID-19.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện tuyến cuối điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch; các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các trường hợp người bệnh có bệnh lý đi kèm hoặc bệnh lý nền nặng có mắc COVID-19 theo chuyên khoa do bệnh viện tuyến dưới chuyển đến; Bệnh viện Dã chiến số 13 sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bằng cách để người thân trong gia đình và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên), đặc biệt nhóm có yếu tố nguy cơ cao đi tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu chưa tiêm, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng quy định.

Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 ảnh 2Các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế cho biết ngày 13/4 số ca mắc COVID-19 là 497 ca; đây là số mắc cao nhất trong khoảng 4 tháng qua ở nước ta.

Trong số bệnh nhân trên, có 8 bệnh nhân đang thở ôxy qua mặt nạ.

Ngày 12/4 không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 12/4 có 6.134 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.064.554 liều; trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.484.306 liều: mũi 1 là 70.907.481 liều; mũi 2 là 68.449.853 liều; mũi bổ sung là 14.370.086 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 52.030.106 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17.726.780 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.983 liều: mũi 1 là 9.130.472 liều; mũi 2 là 9.021.223 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.615.265 liều: mũi 1 là 10.200.315 liều; mũi 2 là 8.414.950 liều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục