Thành phố Hồ Chí Minh: Cần có giải pháp kiểm soát gà “siêu rẻ”

Gần một tháng nay, dọc trên một số tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều điểm bán gà mái đẻ “siêu rẻ” không nguồn gốc, xuất xứ, không có dấu kiểm định thực phẩm.
Thành phố Hồ Chí Minh: Cần có giải pháp kiểm soát gà “siêu rẻ” ảnh 1Gà không đầu, không chân “siêu rẻ” bày bán trên vỉa hè. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Gần một tháng nay, dọc trên một số tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều điểm bán gà mái đẻ có giá “siêu rẻ” đến giật mình, chỉ từ 45.000 - 50.000 đồng/con.

Dù là gà “5 không” gồm không đầu, chân; không bao gói, nhãn mác; không nguồn gốc, xuất xứ; không có dấu kiểm định an toàn thực phẩm và không hạn sử dụng, nhưng loại gà “siêu rẻ” này lại được nhiều người chọn mua làm thực phẩm sử dụng hàng ngày.

Đi tìm nguồn gốc gà “siêu rẻ”

Cứ mỗi chiều, trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh-Phạm Hùng (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) lại có nhiều điểm bán gà làm sẵn, với những tiếng rao bằng loa được lặp đi, lặp lại: “Gà mái đẻ, 50.000 đồng một con” bày bán “lộ thiên” trên vỉa hè, lề đường. Dù chỉ 50.000 đồng/con, nhưng loại gà này có trọng lượng từ 1,2-1,5kg.

[Truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm trước khi ra thị trường]

Đang chọn mua gà tại một điểm bán trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh (Quận 8), anh Nguyễn Văn Minh, ngụ huyện Bình Chánh cho biết, đây là lần đầu tiên anh mua loại gà này vì thấy giá rẻ, hợp túi tiền.

Nhìn qua có vẻ là gà ngon, săn chắc, không có quá nhiều mỡ và mềm như gà công nghiệp. Đứng bên cạnh, người bán hàng liên tục cam đoan: “Không ngon không lấy tiền, thịt gà dai, da giòn, ăn là nghiền.”

Không chỉ trên các tuyến đường Quốc lộ ven đô, gà “siêu rẻ” cũng xuất hiện nhiều tại các chợ tạm, chợ tự phát dành cho công nhân lao động từ sáng sớm đến chiều tối. Giá rẻ, hình thức bắt mắt cùng những lời giới thiệu của người bán khiến loại gà này khá đắt khách.

Một phụ nữ trung niên bán gà trên đường Nguyễn Văn Linh cho biết, mỗi buổi chiều chị bán được khoảng 20 con, buổi sáng bán ở khu vực chợ tạm trên đường Phạm Hùng khoảng 30 con. Như vậy, mỗi ngày người phụ nữ này bán ra thị trường khoảng 50 con gà “siêu rẻ,” thậm chí có người còn bán được 100 con/ngày.

Trong vai chủ một quán cơm bình dân, chúng tôi ngỏ ý mua hàng cố định mỗi ngày, một người bán chào mời muốn mua bao nhiêu cũng có, mua số lượng lớn thì giá chỉ còn 38.000 đồng/con, giao hàng tận nơi.

Băn khoăn về nguồn gốc của gà siêu rẻ, người bán khẳng định đây là sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn San Hà - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thịt gia cầm tươi sống và đông lạnh khá có tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn San Hà cho biết, đơn vị này không đưa các sản phẩm thịt gia cầm không bao gói, không nhãn mác ra thị trường. Hiện Công ty có nhập khẩu gà mái đẻ từ Hàn Quốc, nhưng chủ yếu phục vụ một số bếp ăn tập thể do họ không đủ điều kiện nhập khẩu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ khẳng định, gà “siêu rẻ” bán trên thị trường không phải là gà mái đẻ của Việt Nam mà là gà mái đẻ được nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam, còn có tên gọi là gà dai Hàn Quốc.

Trước đây, loại gà dai Hàn Quốc đã từng được nhập khẩu về Việt Nam tiêu thụ, nhưng sau một thời gian tạm lắng xuống thì nay lại quay trở lại. Cũng theo ông Ngọc, gà dai Hàn Quốc thường không có đầu, chân do các doanh nghiệp đã cắt bỏ để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 20% thay vì 40% như nhập khẩu gà nguyên con.

Còn gà mái đẻ của các trang trại chăn nuôi tại Việt Nam cũng bán trên thị trường, song số lượng không nhiều, giá bán lên đến 60.000-700.000 đồng/con và bán nguyên con.

Thực phẩm hay là “rác”?

Đề cập đến chất lượng và độ an toàn của loại gà dai Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho hay, do đây là loại gà khai thác trứng quá lứa bị thải loại nên chất lượng thịt không còn đảm bảo.

Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi lấy trứng, người nuôi thường tiêm rất nhiều vắcxin để phòng bệnh nên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nếu sử dụng lâu dài.

Thực tế tại Hàn Quốc, gà loại thải được sử dụng để làm bột thịt cho gia súc với giá chỉ tương đương 5.000 đồng/con. Nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, thậm chí cả Campuchia cũng cấm sử dụng loại gà này làm thực phẩm cho người.

“Tôi không hiểu tại sao Việt Nam lại cho nhập gà thải về làm thực phẩm cho con người? Đây là thịt hay là “rác”? Chúng ta đang khuyến khích sản xuất, tiêu dùng thực phẩm sạch, nhưng lại cho phép nhập khẩu gà thải, gà không rõ nguồn gốc về nước,”, ông Ngọc băn khoăn.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cũng cho biết, việc gà siêu rẻ của Hàn Quốc nhập khẩu về Việt Nam đang tác động rất lớn đến tình hình chăn nuôi gia cầm trong nước.

Cụ thể, những ngày qua, giá gà tam hoàng trong nước đã liên tục giảm và hiện chỉ còn 25.000-26.000 đồng/kg, trong khi giá thành mà người chăn nuôi bỏ ra đã lên đến 32.000 đồng/kg. Như vậy, người chăn nuôi gà trong nước đang phải chịu lỗ trước làn sóng "đổ bộ" của gà thải loại Hàn Quốc.

“Theo tôi, Nhà nước nên có chính sách cấm nhập khẩu loại gà này bởi vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vừa góp phần “giết chết” nền nông nghiệp nước nhà” - ông Nguyễn Văn Ngọc đề xuất.

Thành phố Hồ Chí Minh: Cần có giải pháp kiểm soát gà “siêu rẻ” ảnh 2Dù là gà không nguồn gốc, xuất xứ; không có dấu kiểm định an toàn thực phẩm nhưng loại gà này đang được nhiều người chọn mua làm thực phẩm sử dụng hàng ngày. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trước vấn đề nêu trên, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Phòng Thanh tra và các Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận, huyện đồng loạt phối hợp với Ủy ban nhân dân phường, xã tiến hành giám sát hoạt động kinh doanh sản phẩm gia cầm nói chung và loại gà này nói riêng tại các tuyến đường kinh doanh sản phẩm gia cầm, các điểm kinh doanh tự phát, chợ truyền thống, kho lạnh bảo quản và một số doanh nghiệp nhập khẩu.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm cho biết, qua kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm gia cầm đông lạnh nhập khẩu từ Hàn Quốc đều có kho bảo quản. Hàng hóa có bao bì, hạn sử dụng, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm như nước nhập khẩu, mục đích sử dụng, giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm động vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, với hình thức buôn bán gà “lộ thiên” tại vỉa hè, chợ tạm không có dụng cụ che đậy khiến thực phẩm dễ nhiễm các loại vi khuẩn gây hại cho đường ruột. Do đó, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm được bày bán trong lồng kính đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục