Thành phố Hồ Chí Minh: Bến xe miền Đông mới ở Thủ Đức ế khách

Từ ngày 10/10/2020, Bến xe miền Đông mới chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với 22 tuyến xe khách đi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra phía Bắc nhưng lượng khách qua bến rất thấp.
Ga hành khách Bến xe Miền Đông mới.

Trong văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình hoạt động tại Bến xe miền Đông mới, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố giao Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) sớm có kế hoạch đầu tư công trình và tiến độ di dời sang Bến xe miền Đông mới giai đoạn tiếp theo.

Bến xe miền Đông mới do Samco làm chủ đầu tư, đã hoàn thành giai đoạn 1. Từ ngày 10/10/2020, Bến xe miền Đông mới chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với 22 tuyến xe khách đi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra phía Bắc. Tuy nhiên, lượng hành khách đi lại qua bến rất thấp.

Hiện tại, số lượt xe bình quân xuất bến là 7 lượt xe/ngày. Số lượt khách bình quân xuất bến là 24 lượt khách/ngày; cao điểm lễ, Tết đạt 60 lượt khách/ngày.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, Sở chưa nhận được văn bản của Samco thông tin về kế hoạch đầu tư cụ thể đối với các hạng mục công trình còn lại tại Bến xe miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) và lộ trình di dời các tuyến liên tỉnh giai đoạn 2 từ Bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) ra bến mới.

Trong số đó, hạng mục công trình bãi đậu và nhà điều hành xe buýt cần sớm được xây dựng để tổ chức kết nối trực tiếp các tuyến xe buýt với công trình nhà ga.

Hiện nay, việc tổ chức cho hoạt động xe buýt nội tỉnh kết nối với xe khách liên tỉnh đang sử dụng tạm khu đón trả khách tại tầng hầm B1 của nhà ga.

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Samco khẩn trương tổ chức đánh giá, phân tích và báo cáo cụ thể kế hoạch đầu tư đối với các hạng mục công trình và tiến độ di dời tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định giai đoạn 2.

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Samco đề xuất phương án tổ chức khai thác tại Bến xe miền Đông hiện hữu phù hợp với lộ trình di dời các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định giai đoạn tiếp theo; báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giao thông Vận tải xem xét các nội dung trên trước 15/7.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, với hệ thống hạ tầng hiện hữu kết hợp giải pháp tổ chức, điều tiết giao thông phù hợp vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng tốt nhu cầu giao thông khu vực khi di dời các tuyến xe liên tỉnh tại Bến xe miền Đông hiện hữu ra Bến xe miền Đông mới. Điều này cũng góp phần giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường khu vực bến xe hiện hữu.

Hiện, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, đã hoàn thành cơ bản các hạng mục công trình giao thông khu vực để phục vụ khai thác Bến xe miền Đông mới theo phương án tổ chức giao thông đã lập.

Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cũng phối hợp với các đơn vị rà soát, khắc phục các khiếm khuyết phát sinh của hệ thống hạ tầng giao thông để phục vụ tổ chức giao thông khu vực đồng bộ với công tác di dời các tuyến xe liên tỉnh tại Bến xe miền Đông mới giai đoạn 1.

[Cải thiện giao thông Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng hiệu quả đầu tư]

Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao thành phố Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xung quanh khu vực Bến xe miền Đông mới theo quy hoạch (dự án đường Hoàng Hữu Nam, đường A8), hoàn thành trong năm 2023 để đảm bảo tổ chức giao thông khu vực thuận lợi, đáp ứng nhu cầu kết nối vận tải, góp phần khai thác Bến xe miền Đông mới phát huy hiệu quả.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động của các bến xe khách chịu những tác động lớn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 cũng như ảnh hưởng từ các hãng hàng không giá rẻ ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tình trạng lập bến bãi, điểm đón, trả khách không đúng quy định hoạt động ngày càng phức tạp cạnh tranh với hoạt động của các tuyến liên tỉnh.

Sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh thông qua bến xe tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu tăng sau thời gian dịch bệnh, tuy nhiên còn thấp so với thời điểm trước dịch bệnh (giảm hơn 70%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục